Chủ tịch AIIB đánh giá cao những tiến bộ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Tuy nhiên, lãnh đạo AIIB cũng chỉ ra rằng để duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện mức sống của người dân, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản, năng lượng, năng lượng xanh...
"Có thể nhận thấy 2 hạn chế còn tồn tại hiện nay là năng lượng và giao thông. Về năng lượng, việc xây dựng các nhà máy điện than cần hết sức thận trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn nguồn thủy điện, nhưng phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần cải thiện vấn đề về cung ứng điện. Về giao thông, các tuyến đường sắt đô thị đang được xây dựng sẽ giúp cải thiện phần nào thực trạng giao thông hiện nay. Tuy vậy, hạ tầng đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cảng hàng không... vẫn cần được cải thiện hơn nữa. Có rất nhiều việc phải làm nhưng trước tiên phải tập trung vào 2 lĩnh vực trên và AIIB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam", ông Kim Lập Quần cho hay.
Kể từ khi thành lập vào năm 2016, AIIB đã phê duyệt ba dự án tại Việt Nam với tổng trị giá 223 triệu USD. Mới đây nhất vào đầu tháng 7/2024, AIIB đầu tư 75 triệu USD vào trái phiếu xanh do Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phát hành.
Năm 2021, AIIB cấp khoản vay 95 triệu USD cho Nhà máy Thủy điện Dakdrinh 125MW tại miền Trung Việt Nam. Khoản vay đầu tiên vào năm 2020, AIIB rót 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn do COVID-19.
Trao đổi về sự khác biệt giữa AIIB và các tổ chức tài chính đa phương khác, vị Chủ tịch chia sẻ: "AIIB là ngân hàng mới và chúng tôi học tập kinh nghiệm từ các ngân hàng đa phương khác. Chúng tôi đã xây dựng các nguyên tắc cơ bản liên quan tới tài chính xanh, đảm bảo các cổ đông không phải thường xuyên tăng vốn cho ngân hàng. Là một ngân hàng mới, cơ cấu quản trị của AIIB không có ban điều hành cố định tại trụ sở chính, mà quan trọng hơn cả là AIIB có sự phân công trách nhiệm rất rõ ràng giữa Ban quản trị với Ban điều hành. Hơn thế nữa, chúng tôi hướng tới mục tiêu nâng hiệu quả về chi phí, đáp ứng nhanh các nhu cầu của khách hàng".
Trước đó, vào ngày 15/7, trong cuộc gặp và làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch AIIB đã cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng sau hơn 8 năm thành lập. Đến hết quý II/2024, AIIB đã phê duyệt 274 dự án với tổng vốn tài trợ 53,5 tỷ USD, bao gồm nhiều lĩnh vực như hỗ trợ phục hồi sau khủng hoảng, năng lượng, giao thông, nước sạch, đô thị...
AIIB ghi nhận lợi nhuận hoạt động dương và duy trì nguồn vốn dồi dào để thực hiện các hoạt động dự kiến trong 5 năm tới. Trong giai đoạn tiếp theo, AIIB sẽ tiếp tục nghiên cứu và đổi mới chính sách để mở rộng phạm vi hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và nâng cao tiêu chuẩn hoạt động với tư cách là một ngân hàng phát triển đa phương.
Cũng tại buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng Việt Nam đánh giá cao thiện chí và sự quan tâm của Ban lãnh đạo AIIB trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, thông qua các cơ quan chức năng và cơ quan đại diện của mình tại AIIB là Ngân hàng Nhà nước, sẽ cùng với AIIB nghiên cứu và xây dựng hình thức hợp tác phù hợp và hiệu quả.
Thống đốc cũng nhấn mạnh rằng định hướng chiến lược của AIIB đối với các nước thành viên cần tương thích và phù hợp với bối cảnh và chủ trương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam kỳ vọng AIIB sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tài trợ và đầu tư vào khu vực tư nhân dành cho thị trường Việt Nam, cung cấp các sản phẩm tài chính đổi mới, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
AIIB là ngân hàng phát triển đa phương được thành lập vào năm 2016 với 57 thành viên sáng lập (trong đó có Việt Nam), trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và kết nối cơ sở hạ tầng ở châu Á.
Hiện nay, AIIB có 109 thành viên quốc gia, chiếm 81% dân số và 65% GDP toàn cầu. Bốn ưu tiên hoạt động của AIIB bao gồm cơ sở hạ tầng xanh, huy động vốn tư nhân, kết nối - hợp tác khu vực và cơ sở hạ tầng hỗ trợ công nghệ.