Từ ngày 1-10/3, chiều sâu ranh mặn 1‰ có khả năng như sau: Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 60-75km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 45-55km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 50-60km; sông Hậu là 45-50km; sông Cái Lớn là 50-60km.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này (1-10/3) có khả năng như sau: Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 45-55km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 35-45km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 40-50km; sông Hậu là 30-40km; sông Cái Lớn là 40-50km.
Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 3/2023 (từ 18-25/3); tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2023 (từ 18-25/3, 17-23/4).
Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp 2.
Trước tình hình trên, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.
Các địa phương thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn...