Chợ đặc sản rộn ràng đón Tết

Càng gần đến giáp Tết, các phiên chợ hay điểm bán những loại thực phẩm đặc sản của các vùng miền trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Phong phú hàng đặc sản


Nằm trên con đường Trần Mai Ninh thuộc quận Tân Bình, chợ Bà Hoa được biết đến như khu vực tập trung đầy đủ các món ăn đặc sản của xứ "nẫu" như Quảng Nam, Đà Nẵng... Bắt đầu từ một phiên chợ nhỏ, chuyên bán những loại thực phẩm phục vụ những người con miền Trung vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, lâu dần chợ Bà Hoa hình thành một khu vực buôn bán sầm uất với đủ đầy các loại đặc sản. Rảo một vòng quanh chợ, có thể dễ dàng mua cho bữa cơm gia đình từ cá bống sông Trà, cá chuồn đến những bịch hành tỏi Lý Sơn hay bịch kẹo gương, lon mạch nha, phong bánh nổ, bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng nướng... đến các loại mắm đặc thù như mắm cơm, mắm cà, mắm cá nục...


Trong khi đó, nằm nép mình trong các chợ truyền thống hoặc trên những tuyến đường về miền Tây Nam bộ, các gian hàng bán các loại mắm, khô, bánh... từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long luôn tấp nập người mua kẻ bán. Như thành thông lệ, những ngày Xuân về Tết đến hiện diện trong mỗi gia đình hầu hết là tôm khô củ kiệu, khô thuỷ sản, trái cây...


"Cứ vào khoảng tháng 11, các hộ làm khô thuỷ sản ở An Giang, Cà Mau... tăng tốc thu mua những loại hải sản phổ biến như: cá sặc, cá lóc, tôm, mực... để làm khô. Công đoạn làm khô cũng rất công phu. Đơn cử như con cá sặc làm khô muốn ngon phải là cá tươi từ ghe mới đưa lên còn nhảy xoi xói và quan trọng nhất là trình độ ướp muối để làm sao đừng mặn quá mùi vị sẽ mất ngon, còn nhạt thì thịt sẽ bủn, mất độ dai. Còn con tôm, để tạo nên con tôm khô thường phải trải qua 4 giai đoạn chính: luộc, phơi hoặc sấy, đập và tách vỏ; trong đó khâu luộc là quan trọng nhất, quyết định chất lượng con tôm khô sau này vì nếu lạt sẽ khó bảo quản lâu, còn mặn quá sẽ làm mất hương vị đặc trưng của tôm", anh Nguyễn Văn Hào, chủ một sạp bán khô hải sản, mắm... đặc sản miền Tây trong chợ Tân Định (quận 1) cho biết.

Chuyên bán các loại đặc sản miền Trung, chợ Bà Hoa đáp ứng những yêu cầu thực phẩm nhỏ nhặt nhất của người con xứ "nẫu"

Không mang vẻ chân chất như chợ Bà Hoa hay những điểm bán đặc sản miền Tây Nam bộ, các điểm bán thực phẩm phục vụ người dân xứ Bắc thường tập trung trên những trục đường sầm uất của thành phố như: Trần Quốc Toản, Nguyễn Đình Chiểu, vòng xoay Điện Biên Phủ... và được trưng bày bắt mắt, bài bản. Chị Ánh Hồng, chủ một điểm bán thực phẩm Bắc trên đường Trần Quốc Toản, cho biết năm nay hàng hoá đa dạng và phong phú hơn hẳn Tết năm 2016. Dù còn hơn 15 ngày nữa mới đến Tết nhưng hiện cửa hàng chị đã bắt đầu hạn chế nhận đặt những đơn hàng đặc sản có giá trị cao hoặc hiếm như: gà Đông Tảo, bưởi Diễn, thịt gác bếp Tây Bắc... Trong khi đó, những món ăn phổ biến 3 ngày tết như bánh chưng, măng lưỡi lợn, miến dong... cửa hàng chị đã nhận đặt hàng cao hơn 30% so với năm trước.


Giá cả tăng nhẹ


Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức cho thấy, năm nay do thời tiết bất lợi nên giá cả nhiều loại khô hải sản tăng nhẹ khoảng 10 -20%. Cụ thể như tôm khô loại 1 có giá khoảng 800.000 đồng/kg, mực khô từ 500.000-600.000 đồng/kg... Riêng các loại thực phẩm miền Trung, miền Bắc cũng tăng nhẹ từ 5-10%. Nguyên nhân theo các chủ cửa hàng, chi phí đầu vào như xăng, nguyên liệu... tăng đã đẩy giá đầu ra tăng tương ứng. Giá dù cao nhưng nếu hàng hoá đảm bảo chất lượng, thương hiệu uy tín... vẫn không đủ hàng để cung ứng. Do lượng cung ít hơn mọi năm, nên các ngày giáp tết, giá cả sẽ không giảm mà còn có xu hướng tăng thêm.


Anh Nguyễn Trọng Khôi, chủ một cơ sở sản xuất khô thuỷ hải sản ở huyện An Phú (An Giang), cho biết năm nay lượng khách hàng đặt cá khô sớm hơn năm 2016. Từ thời điểm đầu tháng 1 cho đến nay, cơ sở anh đã giao theo đơn đặt hàng hơn 100kg khô cá lóc, khô cá sặc rằn, khô mực... Dự kiến, trong dịp Tết năm nay, cơ sở anh sẽ sản xuất và bán ra thị trường khoảng 1 tấn khô các loại. Năm nay, cơ sở sản xuất của anh phải thuê thêm nhân công và tăng hết công suất hoạt động để làm nhiều sản phẩm khô hải sản bán ra thị trường, nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Dù giá có tăng nhẹ, nhưng các "thượng đế" không ngại ngần chọn mua cho gia đình mình những loại đặc sản quê hương cho những ngày Tết

"Tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng các loại đặc sản làm thủ công, truyền thống hơn. Dù có thể không vệ sinh bằng, nhưng ngược lại sản phẩm thơm ngon, có hương vị riêng. Hầu hết các bà nội trợ đều ưa thích các loại thực phẩm ở quê vì suy nghĩ cây nhà lá vườn, do chính người nông thôn làm ra nên an toàn, tin cậy. Vì vậy so với sản phẩm được làm đại trà của doanh nghiệp, sản phẩm của các làng nghề truyền thống dù giá cao hơn nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng hơn", chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở đường Nam kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) cho hay.

Lê Nghĩa
Dự trữ đủ hàng hóa, bình ổn thị trường Tết
Dự trữ đủ hàng hóa, bình ổn thị trường Tết

Nhiều địa phương đang tích cực triển khai việc dự trữ hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2017, trong đó chú trọng tới các mặt hàng thiết yếu và các giải pháp bình ổn giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN