Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Khu vực Mekong ngày 25/10. Ảnh: TTXVN |
Hiện khu vực Mekong là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế.
Phát huy lợi thế của mỗi nướcĐánh giá về lợi ích của khu vực đối với sự phát triển của Việt Nam và những lợi thế mang tính bổ sung, bổ trợ lẫn nhau giữa các nước Mekong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các nước khu vực Mekong thời gian qua vừa có sự hợp tác, bổ sung cho nhau vừa có sự cạnh tranh lành mạnh lẫn nhau.
Các nước khu vực Mekong đều có lợi thế trong xuất khẩu lúa gạo, dệt may, da giày, thủy sản, nông lâm nghiệp. Những điểm chung này là cơ sở để hợp tác nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam và Thái Lan, sắp tới là Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau hợp tác xuất khẩu một số sản phẩm lúa, gạo.
Các nước này với tính liên vùng rất cao, nên việc xây dựng và khai thác hiệu quả các cơ sở hạ tầng của Hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang kinh tế Đông – Tây, Hành lang kinh tế Bắc – Nam, Hành lang kinh tế phía Nam… giúp giảm chi phí vận chuyển, hậu cần, logistic, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh. Hợp tác giữa các nước Mekong giúp phát huy lợi thế của mỗi nước.
Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Richard Samans cho biết, giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực Mekong đang tăng hàng năm. Đây là minh chứng cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang được hoan nghênh, đón tiếp nồng hậu.
Thông qua các nỗ lực cải cách, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới. Tại Việt Nam, giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 11 tỉ USD, cao hơn tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015.
Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015 vừa được công bố cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia ở khu vực Mekong, ví dụ Thái Lan đứng thứ 34 trong khi Myanmar đứng thứ 130 trong danh sách.
Để các quốc gia trong khu vực có thể tăng cường liên kết và hội nhập nội khối, ông Samans cho rằng, các nước khu vực Mekong hoàn toàn có thể tăng cường hơn nữa quá trình liên kết cũng như hội nhập nội khối để tăng cường sức mạnh tổng hợp của khối. Các nhà lãnh đạo các nước khu vực Mekong cần có giải pháp huy động sức mạnh tổng hợp, tạo nên những lợi thế bổ sung giữa các nước Mekong.
Hiện thực hóa các cơ hội hợp tácChia sẻ những suy nghĩ về tầm nhìn và tương lai của khu vực Mekong, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw cho rằng, hiện nay, các quốc gia Mekong đang tiến hành mở cửa nhanh chóng và tiến hành nhiều cải cách và thụ hưởng rất nhiều lợi ích do thương mại và đầu tư xuyên biên giới đem đến.
Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển năng lực, kỹ năng, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh cũng như tăng cường khả năng phát triển kinh tế toàn diện nhằm phù hợp với dân số đô thị lớn, giảm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia trong khu vực, đảm bảo việc sử dụng cùng có lợi và phát triển bền vững nguồn tài nguyên sông Mekong.
Cũng theo Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, hợp tác và kết nối trong khu vực có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo, nâng cao năng suất và việc làm, tăng cường các thể chế và tìm ra các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Qua nỗ lực chung của các quốc gia có thể tăng cường hợp tác và hội nhập khu vực, hiện thực hóa tiềm năng kinh tế, đạt được tăng trưởng nhanh và bền vững. Các nước cần tập trung hiện thực hóa các cơ hội hợp tác để giải quyết những vấn đề khu vực Mekong phải đối mặt. Giao lưu văn hóa sẽ giúp tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và người dân được tăng cường trong thời gian tới.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ tin tưởng các nước trong khu vực sẽ có biện pháp thúc đẩy kết nối tạo thêm nhiều cơ hội cho các quốc gia trong hợp tác ACMECS và CLMV. Các quốc gia này cần hợp tác với nhau để đảm bảo có thể phối hợp với các quốc gia khác trong khu vực đi trên cùng một chặng đường hướng tới một khu vực phát triển.
Kết nối kinh tế khu vựcNhằm thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế khu vực, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ góp phần mở rộng thương mại và đầu tư cũng như là liên kết giữa các lĩnh vực kinh tế, chuỗi kinh tế trong khu vực.
Điều này sẽ dẫn đến tăng cường sinh kế, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo trong từng quốc gia và thế giới, mở rộng liên kết tiểu vùng sông Mekong. Ngoài ra, các nước cần đảm bảo kết nối đa chiều thông suốt cả phần cứng và phần mềm, tạo nền tảng vững chắc mang tính bao trùm là điều kiện tiên quyết giúp hội nhập kinh tế khu vực.
Hành lang kinh tế Đông -Tây và Hành lang kinh tế phía Nam, sẽ giúp tiểu vùng trở thành một tuyến đường liên kết đường bộ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đảm bảo một tuyến đường giao thông trung chuyển giữa Đông Á-Nam Á và châu Âu.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: TTXVN |
Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen, một khu vực Mekong đầy tiềm năng sẽ trở thành một trung tâm sản xuất lớn ở khu vực và trên toàn cầu trong những thập kỷ tới. Đến năm 2030, cả 5 nước khu vực Mekong sẽ có dân số khoảng 260 triệu người, trong đó có 65% dân số trong độ tuổi lao động.
Đây là nền tảng quan trọng để khu vực này có thể phát triển nền công nghiệp trong khu vực. Các quốc gia khu vực Mekong có tiềm năng tạo ra mạng lưới sản xuất trong khu vực có tính cạnh tranh cao; có thể phân phối một cách hợp lý trong việc tham gia chuỗi cung ứng và giá trị trong khu vực.
Để hiện thực hóa tầm nhìn về hội nhập khu vực Mekong, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen cho rằng, các nước khu vực này cần phải tập trung vào việc duy trì ổn định và hòa bình khu vực.
Ưu tiên quan trọng nhất là các nước trong khu vực cần chung tay tháo gỡ những nút thắt đối với khả năng cạnh tranh của khu vực, trong đó tập trung trước tiên vào các hoạt động kết nối hạ tầng cơ sở về năng lượng và kỹ thuật số, đảm bảo những dòng trung chuyển thương mại hiệu quả trong khu vực cũng như phát triển nguồn nhân lực.
Vấn đề hợp tác xuyên biên giới cần tăng cường hơn nữa chuỗi cung ứng giá trị khu vực và kết nối công nghiệp xuyên biên giới. Khu vực tư nhân cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc kết nối các nền kinh tế khu vực và đặc biệt là trong việc phát triển hạ tầng cơ sở thông qua các dự án đối tác công - tư.