“Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quan điểm của Bộ với ý kiến cử tri đề nghị không bắt buộc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô và xe máy, để người dân tự nguyện khi họ có nhu cầu”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc kiến nghị.
Mô tô, xe máy hiện là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu nhưng cũng là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, gây thiệt hại tới sức khỏe, tính mạng và tài sản của bên thứ ba. Trên thực tế trong nhiều trường hợp chủ xe lại tử vong khi xảy ra tai nạn hoặc đang gặp khó khăn về tài chính, phá sản; hay không đủ khả năng, năng lực tài chính để chi trả, bồi thường cho nạn nhân, đặc biệt trường hợp chủ xe máy thuộc thành phần, tầng lớp lao động trong xã hội, tạo gánh nặng và bất ổn cho toàn xã hội.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm. Đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc. Thời gian qua, tai nạn xe máy chiếm tới 64% số vụ tai nạn giao thông.
Tính từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, gần 2.300 tỷ đồng. Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy. Bởi thông thường, người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi xảy ra tai nạn, ảnh hưởng tính mạng, bảo hiểm chi trả tối đa là 150 triệu đồng; xe hư hỏng được trả tối đa 50 triệu đồng.
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội, làm thế nào để việc chi trả bảo hiểm được dễ dàng, ông Hồ Đức Phớc cho rằng: Theo Nghị định 67, nếu tai nạn không ảnh hưởng đến tính mạng, người gặp nạn chỉ cần gửi ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử thì trong vòng 3 ngày công ty bảo hiểm phải chi trả tiền cho người gặp nạn. "Nếu ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không thì chỉ cần có file ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết hưởng bảo hiểm", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Những bất cập của bảo hiểm bắt buộc với xe cơ giới đã được người dân ý kiến từ lâu. Một số chuyên gia tài chính cho rằng: Các công ty bảo hiểm đang đưa ra quá nhiều thủ tục phức tạp, quy định khắt khe, thậm chí gây khó khăn đối với người tham gia mua bảo hiểm khi họ gặp phải sự cố. Do vậy khi gặp sự cố, người dân thường có xu hướng giải quyết theo hình thức tự hòa giải, thỏa thuận thay vì chờ đợi công ty bảo hiểm.
Cử tri nhiều tỉnh, thành là: Bến Tre, Long An, Bình Thuận… từng kiến nghị nhiều lần tới Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 do còn nhiều bất cập; kiến nghị bỏ xử phạt không mua bảo hiểm xe máy.
Bởi theo ý kiến nhiều cử tri, khi tai nạn xảy ra, chủ phương tiện và người thân phải lo đi cấp cứu, không có thời gian để lo các loại giấy tờ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu của công ty bảo hiểm để nhận được bồi thường. Do vậy, nhiều người mua bảo hiểm nhưng không thanh toán được vì không đủ giấy tờ.
Mới đây, cử tri TP Hồ Chí Minh phản ánh, theo điểm a khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về việc xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông có mức xử phạt với xe mô tô, xe gắn máy không mua bảo hiểm tự nguyện khi vi phạm giao thông với mức phạt 150.000 đồng. Từ thực tế này, cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cần bỏ quy định xử phạt với người tham gia giao thông không mua bảo hiểm xe máy.
Trước các ý kiến trái chiều, một số chuyên giao giao thông đề xuất: Phía Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và các Bộ, ban, ngành cần xem xét bãi bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc hoặc điều chỉnh lại quy trình thủ tục tại các công ty bảo hiểm.
Theo đó, cần có sự thống nhất giữa các cơ quan Nhà nước và các công ty bảo hiểm để có thể giảm thiểu những phức tạp trong khâu thủ tục hành chính dành cho người dân, điều chỉnh lại các quy định, thủ tục bồi thường để thực hiện tốt các chương trình bảo hiểm cho nhân dân.
Các công ty bảo hiểm cần nới lỏng các quy định, cần thay đổi trong việc xử lý, hỗ trợ người dân, không để tình trạng bán bảo hiểm rồi không can thiệp, hỗ trợ khi gặp sự cố, để người dân tự xoay xở vừa mất tiền, vừa mất thời gian.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định:
1.Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
2.Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
3.Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai...
Trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng”.