Chi phí xử lý rác thải rắn sinh hoạt còn thấp
Ông Ashraf El-Arini, chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới, cho rằng kinh phí Việt Nam dành cho quản lý rác thải rắn sinh hoạt thấp 5-8 lần so với các nước thu nhập trung bình khác.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hiện nay, có hai nguồn kinh phí chính cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam là ngân sách nhà nước và phí vệ sinh môi trường. Năm 2020, ngân sách nhà nước phân bổ cho xử lý rác tổng cộng 10.897 tỷ đồng (gồm 9.104 tỷ cho vận hành và 1.793 tỷ đồng cho đầu tư). Phí vệ sinh môi trường trong cùng năm ước tính là 3.439 tỷ đồng.
Tổng kinh phí cho quản lý rác thải rắn sinh hoạt ước tính là 14.336 tỷ đồng, tương ứng 0,23% GDP. Con số này thấp hơn một nửa so với chi tiêu toàn cầu cho quản lý chất thải là 0,5% GDP. Dựa trên mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội, kinh phí dành cho xử lý chất thải sinh hoạt thấp hơn từ 5 - 8 lần so với các quốc gia có thu nhập trung bình khác. Kinh phí đầu tư được phân bổ cho mỗi hộ gia đình mỗi năm tương đương với 67.000 đồng (tương ứng 0,04% thu nhập hộ gia đình trung bình trên toàn quốc).
Ông Ashraf El-Arini đánh giá, Việt Nam đang dành nguồn tài chính cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt thấp hơn so với mức khuyến nghị và so với quốc tế. Nguồn kinh phí vận hành hiện có đủ để trang trải chi phí thu gom và vận chuyển song không đủ cho chi phí xử lý và tiêu hủy.
Đại diện World Bank cũng đưa ra 4 kịch bản quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, tương ứng với mức đầu tư từ thấp đến cao. Mức thấp là hệ thống quản lý chất thải rắn cơ bản được hiện đại hóa. Thứ hai là kịch bản giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Kịch bản 3 có công nghệ xử lý chất thải tiên tiến với chi phí thấp hơn và cuối cùng là kịch bản dùng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến.
Theo đó, nếu tiếp tục cơ cấu phân bổ nguồn tài chính cho xử lý rác thải rắn như hiện tại thì chỉ với kịch bản thứ nhất, ngân sách nhà nước sẽ phải chịu gánh nặng lớn, ứng với mức chi phí 27.763 tỷ đồng (tăng 154%), kịch bản 2 chi phí gần 49.000 tỷ đồng (tăng 350%). Gánh nặng cho kịch bản 3 và 4 lớn hơn đáng kể.
Do đó, ông Ashraf El-Arini khuyến nghị Việt Nam nên kết hợp cân bằng giữa phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước và phí vệ sinh môi trường theo hướng sử dụng ngân sách nhà nước để cung cấp vốn đầu tư và phí vệ sinh môi trường được sử dụng để trang trải chi phí vận hành. Phí vệ sinh môi trường có thể trang trải toàn bộ chi phí vận hành của kịch bản 1 (0,45% thu nhập trung bình) và kịch bản 3 (0,74%). Đồng thời, chuyển nguồn ngân sách nhà nước 10.897 tỷ đồng từ chi phí vận hành cho chi phí đầu tư hàng năm là 7.986 tỷ đồng trong kịch bản 1 và còn lại 2.911 tỷ đồng cho các khoản đầu tư quan trọng khác.
Điều này sẽ thu hút nguồn tài chính và sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, giải phóng nguồn lực cho các khoản đầu tư thiết yếu không thể huy động từ các nguồn tư nhân và thực hiện các giải pháp khuyến khích, ưu đãi để giảm phát sinh chất thải và tác động đến hành vi của người dùng.
Việc thiếu hụt tài chính đầu tư của Nhà nước có thể được đảm bảo từ các nhà đầu tư bên ngoài, các quỹ và tổ chức tài chính quốc tế. Khả năng tiếp cận các quỹ như vậy sẽ được cải thiện đáng kể nếu chi phí hoạt động được chi trả toàn bộ hoặc một phần bằng phí vệ sinh môi trường. Phần thiếu hụt còn lại cần phải được bảo đảm từ các nguồn tài chính công.
Khi đó, nguồn vốn được giải phóng từ ngân sách nhà nước cùng nguồn bổ sung từ các tổ chức tài chính quốc tế có thể được sử dụng cho các khoản đầu tư trọng điểm như để đóng cửa các bãi rác và nâng cấp các bãi chôn lấp không hợp tiêu chuẩn vệ sinh.
Xử lý rác thải rắn sinh hoạt trong thực tế còn tồn tại nhiều bất cập
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, phương thức xử lý rác thải từ khâu phát sinh đến khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trong thực tế còn tồn tại nhiều bất cập. Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hoá diễn ra rất nhanh, khiến cho tỷ lệ lượng rác thải tăng nhanh, tăng 10 - 16%/năm, trong khi điều kiện hạ tầng chưa theo kịp.
Ví dụ, về khâu quy hoạch, khâu dự báo để quy hoạch, các khâu từ tập kết, đưa về các điểm trung chuyển ở đô thị không có mái che, mưa gió khiến rác rò rỉ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm hay ô nhiễm không khí… Các nước tiên tiến trên thế giới có hệ thống lưu giữ tạm thời tập kết nửa nổi nửa chìm, hoặc chìm hẳn, để thực hiện điều này cần có sự đầu tư.
Công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn ở Việt Nam chưa tốt, mới mang tính chất khuyến khích, chưa bắt buộc áp dụng. Một số dự án thí điểm triển khai nhưng không thành công do hạ tầng, điều kiện kỹ thuật chưa có.
“Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, có thể phân loại rác thải theo 3 loại: Rác thải có thể tái chế được, rác thải thực phẩm và rác thải để xử lý. Nhưng chứa chất thải bằng gì, phương tiện vận chuyển gì, công nghệ gì thì cần giải pháp căn cơ và đồng bộ mới triển khai thực hiện được”, ông Hiền chỉ rõ.
Cùng với đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho hay, vấn đề xử lý rác thải hiện nay có trên 70% được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Yêu cầu của bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCVN 261:2001 của Bộ Xây dựng trước đây quy định rất kỹ từ thiết kế vật liệu kỹ thuật, dẫn nước, thu khí, thu nước rỉ rác… Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với công nghệ chôn lấp khi Việt Nam không thu gom được khí mê-tan, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khí nhà kính.
“Do vậy, công nghệ là vấn đề lớn hiện nay. Chúng ta cũng có một số công nghệ khác như công nghệ đốt, công nghệ ủ…, nhưng thực tế vẫn là công nghệ đốt là chính. Trong thời gian tới, chúng ta phải đi từ nguồn rác phân loại, trên cơ sở đó sẽ có lựa chọn công nghệ phù hợp hơn”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Luật Bảo vệ môi trường giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định tiêu chí công nghệ trong lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Thông tư quy định tiêu chí công nghệ trong xử lý rác thải. Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành danh mục công nghệ để các địa phương căn cứ điều kiện tình hình kinh tế, lựa chọn công nghệ phù hợp chứ không chỉ có công nghệ đốt, phát điện.
Đối với các quy chuẩn, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện và quy định thêm tỷ lệ tro đáy sau đốt. Hiện nay các nước tiên tiến tro chỉ có 5%, còn chúng ta đốt, tổng cả tỷ lệ tro bay và tro đáy sau đốt lên đến 15%. Tuy nhiên, phải có thời gian, lộ trình để tiếp tục hoàn thiện chính sách này.
Về vấn đề ưu đãi trong xử lý chất thải sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trong Phụ lục về vấn đề chính sách ưu đãi trong đó có ưu đãi về xử lý chất thải sinh hoạt. Cụ thể, ưu đãi về đất, công nghệ. Đối với các dự án về đốt rác phát điện thì phải có sự kết hợp với Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch.
Theo ông Hiền, để đưa chính sách vào cuộc sống thì phải tiếp tục nghiên cứu cụ thể, ví dụ về định mức kinh tế kỹ thuật trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu để định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp. Nhà đầu tư quan tâm đến 2 vấn đề là lợi nhuận và đáp ứng quy chuẩn bảo vệ môi trường, do vậy, muốn được lựa chọn công nghệ tốt thì định mức kinh tế kỹ thuật phải rõ ràng, minh bạch. Ví dụ, thu gom xe 3 bánh đẩy giá khác, xe cuốn xe ép khác. Tương tự, giá chôn lấp hợp vệ sinh sẽ khác, giá đầu tư công nghệ cao cũng sẽ khác.