Châu Âu khó chấm dứt phụ thuộc khí đốt Nga

Theo giới phân tích, châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng sản lượng khí đốt sụt giảm (khoảng 20% vào năm 2020 và lên tới 30% vào năm 2030) và sự cạnh tranh của các nước châu Á nhằm giành nguồn cung khí đốt.


Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga vẫn là đối tác chính ở châu Âu.

Ngay trước khi nổ ra tình trạng căng thẳng với Nga xung quanh vấn đề bán đảo Crimea của Ukraine, châu Âu đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga. Nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã thu được kết quả, đó là trong hơn một thập niên qua, lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga trong tổng sản lượng nhập khẩu khí đốt của EU đã giảm từ 45,1% xuống còn 31,9% năm 2012, theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat.

Pascale Jean, chuyên gia về khí đốt tại công ty kiểm toán PriceWaterhouseCoopers, cho rằng châu Âu đã giảm bớt được phần nào sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, cho dù tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga vẫn là đối tác chính ở châu Âu. Tuy nhiên, tập đoàn khí đốt Gazprom đã không hề giấu giếm mục tiêu của họ là giành lại thị phần khi xây dựng một đường ống mới dẫn khí đốt tới Đức và đang tiến hành xây đường ống thứ hai tới phía Nam châu Âu.


Tim Boersna, chuyên gia về năng lượng tại Viện Brookings ở Washington, nói "rất có thể thị phần khí đốt của Nga ở châu Âu sẽ tăng lên trong các năm tới, cho dù chúng ta có muốn hay không". Sản lượng khí đốt của nước Anh đã bắt đầu sụt giảm, trong khi sản lượng khí đốt của Hà Lan dự kiến cũng sẽ sụt giảm trong thời gian ngắn sắp tới. Sản lượng khí đốt của các nhà cung cấp xung quanh như Algeria cũng bắt đầu tụt dốc. Chuyên gia Boersna nói: "Nhìn vào thị trường hiện nay có thể thấy nhiều khả năng các nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ lấp đầy khoảng trống này”.


Thị trường khí đốt châu Âu hiện đang đứng trước bước ngoặt quyết định sau hai sự kiện bất ngờ làm chao đảo thị trường năng lượng: đó là giá khí đá phiến của Mỹ tăng vọt và cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima. Với việc Nhật Bản đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân, nhu cầu khí đốt của châu Á đã tăng lên, đặc biệt là nhu cầu về khí đốt hóa lỏng (LNG). Động thái này đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất khí đốt, đặc biệt là Qatar - nước đã hướng sự chú ý của họ từ thị trường châu Âu sang thị trường châu Á vốn tăng trưởng nhanh và hấp dẫn hơn.


Các vụ tấn công khủng bố nhằm vào cơ sở sản xuất khí đốt của Algeria hồi năm ngoái và việc vận chuyển khí đốt thông qua đường ống Libya - Italy thường xuyên ngưng trệ đã gây khó khăn cho các nước cung cấp khí đốt ở Bắc Phi. Trong một báo cáo mới đây nhất về đầu ra trung hạn của thị trường khí đốt, Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định: "Việc thiếu các nhà cung cấp khí đốt lớn ở Bắc Phi và sự mới nổi lên của nhà cung cấp Azerbaijan đã làm giảm sự cạnh tranh giữa Nga và các nhà sản xuất LNG. May mắn với Nga là cơn khát LNG ở châu Á sẽ khiến cho việc vận chuyển LNG sang Thái Bình Dương trở nên dồi dào, trong khi để lại nguồn cung cấp khí LNG rất ít cho châu Âu".


EU từ lâu đã muốn kết nối với hệ thống cung cấp khí ở biển Caspi nhưng tiến trình này diễn ra hết sức chậm chạp. Việc xây dựng tuyến đường ống "hành lang phía Nam" bao quanh Nga là một sáng kiến chính sách lớn của EU. Mặc dù dự án này đang được đẩy mạnh, nhưng Gazprom sẽ phá vỡ dự án thông qua hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam dự kiến được đưa vào vận hành vào năm tới.


Những hi vọng đa dạng hóa nguồn cung cấp khí hiện đang chuyển sang bờ bên kia của Đại Tây Dương, nơi mà nguồn khí đá phiến đang bùng nổ và biến Mỹ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Nhiều nước châu Âu đã từ chối cho phép thăm dò và sản xuất khí đá phiến do những quan ngại về tác động của nó đối với môi trường. Một số nước khác thì cho rằng việc khai thác loại khí này không mang lại hiệu quả thương mại.


KTHN

EU có thoát khỏi 'vòng kim cô khí đốt' của Nga?
EU có thoát khỏi 'vòng kim cô khí đốt' của Nga?

Ukraine không phải là quốc gia chịu rủi ro lớn nhất về an ninh năng lượng của châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN