Mỹ có nên sử dụng khí đốt trong 'cuộc đấu' với Nga?

Việc các đồng minh châu Âu của Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga gây ra nhiều bất lợi cho Mỹ trong các mặc cả chính trị. Tuy nhiên, liệu Mỹ có cần thiết phải giúp các đồng minh bằng cách xuất khẩu năng lượng sang các nước này?

Phản ứng trước cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra ở Ukraine, một số nhà lập pháp và công ty năng lượng Mỹ đang thúc đẩy việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu trong nỗ lực giảm bớt giảm bớt tầm ảnh hưởng của Nga ở cựu lục địa. Chính quyền Obama cần hướng tới tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên, điều này có thể giúp đỡ các đồng minh như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, nhưng nỗ lực xuất khẩu của Mỹ nhiều khả năng chỉ đạt kết quả khiêm tốn và chưa thể hiện rõ nét nếu chỉ trong vài năm.


Việc Mỹ tìm ra và khai thác thành công khí đá phiến đã làm tăng lên đáng kể trữ lượng khí đốt tự nhiên và mau chóng làm hạ giá khí đốt, tạo điều kiện cho Washington tính toán về việc gỡ bỏ quy định về giới hạn xuất khẩu khí đốt. Mỹ nhập khẩu 16% lượng khí đốt tiêu thụ trong năm 2007 nhưng có thể trở thành nước xuất khẩu nhiên liệu này vào năm 2020, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng.

Gia tăng xuất khẩu khí đốt có thể tăng lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Âu, khu vực đang phải mua tới 30% lượng khí đốt từ Nga. Các nước như Đức và Ukraine đặc biệt dễ bị tổn thương khi bị cắt nguồn cung năng lượng vì các lý do chính trị. Ví dụ ngày 4/3 vừa qua, Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom cho biết sẽ không bán khí đốt cho Ukraine ở mức giá ưu đãi (theo thỏa thuân ký với chính quyền Tổng thống Yanukovych cuối năm 2013), trong khi nguồn cung của Nga chiếm 60% thị trường khí đốt Ukraine. Đây gần như là lần đầu tiên Tổng thống Vladimir Putin sử dụng nguồn cung cấp khí đốt của Nga để gây áp lực với các nước khác.

Căn cứ theo luật Mỹ, các công ty năng lượng có quyền tự do xuất khẩu gas cho Canada, Mexico và các nước khác Mỹ đã ký thỏa thuận tự do thương mại. Cục Năng lượng có thể thông qua xuất khẩu khí đốt tới các quốc gia khác nếu hoạt động này được đánh giá là phục vụ lợi ích công. Cục Năng lượng Mỹ mới chỉ thông qua 6 trong số 21 giấy phép xin xuất khẩu và giấy phép đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm tới.

Cục Năng lượng cần đẩy nhanh việc thẩm định các giấy phép xin xuất khẩu và Quốc hội cần hỗ trợ bằng việc nới lỏng các quy định hạn chế về xuất khẩu tới các nước đồng minh. Nhưng ngay cả khi chính phủ cho phép xuất khẩu nhiều hơn thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng để hóa lỏng và vận chuyển gas phải mất nhiều năm và tốn kém hàng tỷ USD. Thêm vào đó, không giống ông Putin, quan chức Mỹ không thể áp đặt các công ty bán gas đi đâu và với mức giá như thế nào. (Các công ty gas thường muốn bán sản phẩm tới các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ bởi vì giá khí đốt tự nhiên ở châu Á cao hơn ở châu Âu).

Và nếu các công ty khí đốt Mỹ tràn vào thị trường châu Âu thì ông Putin sẽ không thể đứng yên ngồi nhìn. Theo như chuyên gia nghiên cứu cao cấp Michael Levi thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Nga sẽ đáp trả lại việc Mỹ xuất khẩu, ví dụ như biện pháp hạ thấp giá bán để các khách hàng châu Âu không thay đổi nhà cung cấp.


Đức Trung (Theo New York Times)

Ukraine phân tích vấn đề mua khí đốt của Nga
Ukraine phân tích vấn đề mua khí đốt của Nga

Ukraine có thể mua khí đốt của ai ngoài Nga? Các chuyên gia Ukraine dự đoán rằng van đường ống dẫn khí đốt của Nga sẽ không khóa lại, song giá không giảm trong 5 năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN