Việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là giải pháp căn bản để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thích ứng với quá trình tham gia thị trường quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước ta. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia về nội dung này.
Thưa ông, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện nay đang được triển khai theo hướng nào? Đâu là khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai công tác này?
Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa được Quốc hội ban hành từ 2007. Thời gian qua, công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được triển khai, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất trong công tác quản lý nhà nước; trong đó, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tham gia quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này.
Công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã góp phần tạo ra nhận thức tốt đối với người tiêu dùng. Kể từ khi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đi vào hiệu lực, thuật ngữ về chất lượng đã gắn với yêu cầu của thị trường; quan niệm, nhận thức của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp đối với chất lượng hàng hóa được nâng lên. Cùng với đó là ý thức trách nhiệm cũng như nhận thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình đối với sản phẩm hàng hóa.
Quá trình triển khai Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng tạo điều kiện cho việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian dài. Nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết dựa trên nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam được ban hành trong Luật.
Từ khi ban hành Luật, công tác tuyên truyền, thông tin được đẩy mạnh. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương cũng như của các doanh nghiệp được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Luật cũng có đóng góp quan trọng vào quá trình Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khi đưa ra những nguyên tắc, cách thức để Việt Nam hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có một số khó khăn trong thực tiễn triển khai Luật. Theo đó, quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, một số luật cũng như văn bản được ban hành sau còn thiếu tính đồng bộ với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Dù nhận thức của người dân và doanh nghiệp đã được nâng lên nhưng quá trình hội nhập tạo ra rất nhiều sản phẩm mới, loại hình mới, dịch vụ mới, mô hình mới đòi hỏi nhận thức của người dân cần phải thay đổi. Bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra rất nhiều sản phẩm, mô hình kinh doanh mới đòi hỏi công tác quản lý chất lượng cũng phải thay đổi.
Việc Việt Nam tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn. Nếu chúng ta không thay đổi cách thức, mô hình cũng như tư duy về công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thì chính chúng ta cũng khó thực thi tốt các Hiệp định này.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng lớn. Hợp tác kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Để thích ứng với bối cảnh này, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cần có những bước chuyển mình như thế nào, thưa ông?
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều. Trước đây, khi đề cập đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, chúng ta thường nhắc đến vấn đề tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa hoặc các bộ, ngành đưa ra những yêu cầu kỹ thuật đặc thù cũng như thông lệ quốc tế đặc thù.
Thế nhưng với cách tiếp cận mới như hiện nay thì tiêu chuẩn là chưa đủ. Quốc tế đưa ra một khái niệm về hạ tầng chất lượng quốc gia, theo đó ngoài vấn đề tiêu chuẩn, cần các hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng như các thử nghiệm, hoạt động giám định. Cùng với đó, các hoạt động chứng nhận phải bảo đảm đáp ứng được tiêu chuẩn. Trước đây, chúng ta chỉ công bố sản phẩm theo tiêu chuẩn này thì quốc tế và khách hàng dễ dàng tin. Hiện nay, nếu đưa ra thông tin sản phẩm theo tiêu chuẩn nhưng không chứng minh được các công tác thử nghiệm, giám định, chứng nhận theo tiêu chuẩn đó thì quốc tế và khách hàng sẽ không tin.
Ngoài ra, các hệ thống thiết bị thử nghiệm, sản xuất nếu không được sự dẫn xuất chuẩn đo lường cũng không bảo đảm sự thống nhất. Vì vậy, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện nay cũng sẽ phải gắn với công tác đo lường.
Cuối cùng, nếu không có thể chế, chính sách đi kèm thì khó bảo đảm được hoạt động cũng như sự kết nối thống nhất của hạ tầng chất lượng quốc gia. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thời gian tới sẽ hướng tới việc phát triển, hình thành, phát triển hệ thống hạ tầng chất lượng quốc gia gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Là cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo nội dung chính đối với dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa sửa đổi, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã đưa những nội dung mới gì để phù hợp với thực tiễn, thưa ông?
Chúng tôi đang tham mưu để báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, hoàn thiện hồ sơ, lập đề nghị xây dựng Luật; trong đó, tập trung vào 4 chính sách. Thứ nhất, xác định được sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 là những sản phẩm có nguy cơ rủi ro cũng như các biện pháp quản lý. Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện hành chỉ nêu là sản phẩm, hàng hóa nhóm A và những sản phẩm có nguy cơ rủi ro. Hiện nay, trong dự thảo Luật mới chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng theo hướng phân loại cụ thể hơn bởi ngay trong sản phẩm nhóm 2 cũng có những sản phẩm có nguy cơ mất an toàn cao. Đối với nhóm này, chúng ta thực hiện các biện pháp tiền kiểm. Với những sản phẩm, hàng hóa nguy cơ mất an toàn ở mức độ trung bình và thấp, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển sang biện pháp hậu kiểm, có thể cho thông quan trước kiểm tra sau hoặc cho phép tự công bố hợp quy.
Chính sách thứ hai tập trung vào các giải pháp công nghệ mới trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa. Tôi xin ví dụ một số giải pháp gắn với mã QR code, truy xuất nguồn gốc, điện tử…Những giải pháp này rất hữu ích trong việc tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Nhóm chính sách thứ ba là việc chúng ta xây dựng và hình thành nền tảng về hạ tầng chất lượng quốc gia, hướng tới phát triển bền vững, giúp cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ nhìn nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa trên góc độ tổng thể để hướng tới xuất khẩu.
Nhóm chính sách thứ tư tập trung phân tích và làm rõ việc nâng cao trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp; đặc biệt, sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các bộ, ngành, địa phương để tạo ra được một môi trường thuận lợi kinh doanh cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trân trọng cảm ơn ông!