Chăn nuôi dư thừa nhưng xuất khẩu thịt vẫn là bài toán khó

Việt Nam đang nhập khẩu thịt gà, bò, hải sản... từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thịt vẫn là bài toán khó.

Giá trị xuất khẩu khiêm tốn

Chăn nuôi hiện đang là ngành thường xuyên có mức nhập siêu lớn, với giá trị nhập siêu đang ngày càng tăng và duy trì ở mức gần 500 triệu USD/năm. Xuất khẩu của ngành này rất khiêm tốn, chưa tới 150 triệu USD/năm (dưới 1% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp.

Hiện nay, các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu chỉ là thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11.000 tấn, trị giá khoảng 100 triệu USD.  5 tháng đầu năm 2017, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 10.600 tấn, trị giá khoảng 46 triệu USD.

Đối với thịt gà vẫn sản xuất và tiêu thụ ở trong nước là chính. Ngày 9/9 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được một lô thịt gà sang Nhật Bản. Lô hàng thịt gà đầu tiên này có khối lượng 300 tấn. Đây cũng là lần đầu tiên, gia cầm Việt Nam xuất ngoại.

Công ty TNHH Koyu & Unitek đã xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản vào đầu tháng 9/2017. Ảnh: TTXVN

Về trứng gia cầm, có 5 cơ sở đã và đang xuất khẩu trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp sang một số thị trường như: Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản.

Trong khi đó, sức sản xuất trong nước rất lớn với 3 triệu hộ chăn nuôi lợn, gần 7 triệu hộ chăn nuôi gia cầm. Năm 2016, Việt Nam đã sản xuất khoảng 5,06 triệu tấn thịt, vượt khá xa so với nhu cầu tiêu thụ thịt trong nước ước khoảng 4,8 triệu tấn, chưa kể đến một lượng không nhỏ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu hàng năm.

Do đó, cung thịt nội địa vượt cầu và không thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu xuất thịt sang các thị trường khác không tăng, nên ngay khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, thịt lợn của Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa mà không biết xuất đi đâu.

Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Dương,  Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngành chăn nuôi nhất định phải xuất khẩu được các sản phẩm chăn nuôi đi các nước. Xuất khẩu ở đây không chỉ là thu ngoại tệ về cho đất nước mà còn tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, vấn đề của ngành chăn nuôi hiện nay là giá thành cao và chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm, chưa có nhiều vùng chăn nuôi tập trung.

Theo ông Dương, trước khi nói đến chuyện xuất khẩu, các sản phẩm chăn nuôi phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đặc biệt là kiểm soát chất cấm, lạm dụng hóa chất và kháng sinh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, phải giảm giá thành thấp hơn mức trong khu vực. 

Thực tế, giá thành các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đang còn có khoảng cách khá xa với các nước. Ví dụ như, giá lợn hơi của Mỹ chỉ là 21.237 đồng (95 cent/kg), Braxin 23.294 đồng, Achentina 25.860 đồng… còn ở Việt Nam khoảng 35.000 – 38.000 đồng/kg.

Quy hoạch sản xuất tập trung

Theo các chuyên gia nông nghiệp, muốn xuất khẩu được các sản phẩm chăn nuôi thì việc quan trọng nhất là phải có các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thắng Lợi, chuyên xuất khẩu lợn sữa cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ cùng doanh nghiệp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, Cục Thú y phải đi mở đường đàm phán để mở rộng thị thường xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

Liên quan tới vùng sản xuất tập trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng tập trung, xây dựng vùng chăn nuôi trọng điểm. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch lại các vùng chăn nuôi lợn gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường.

Đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi sạch an toàn, liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung. Áp dụng kinh nghiệm của các nước về phân vùng sản xuất với số lượng nhất định để hạn chế ô nhiễm và dư cung.

Về vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho ví dụ, ở Mỹ có 11 triệu tấn thịt lợn nhưng chỉ có 10 chuỗi thịt lợn, xác định rõ được cung cầu. Do vậy, tổ chức sản xuất theo chuỗi là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, nên xem xét đưa ngành chăn nuôi vào nhóm ngành ngành sản xuất có điều kiện tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Xây dựng các khu giết mổ tập trung. Quy hoạch và xây dựng các khu giết mổ tập trung theo quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện ngành chăn nuôi đang hoàn thiện Đề án xuất khẩu lợn vào tháng 11/2017, trong đó trọng tâm là xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh và tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến và kết nối thị trường theo các chuỗi liên kết khép kín mà các doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã có vai trò chủ đạo.

 
H.V/Báo Tin Tức
Mỹ xuất khẩu thịt lợn sang Argentina lần đầu tiên trong 25 năm
Mỹ xuất khẩu thịt lợn sang Argentina lần đầu tiên trong 25 năm

Thông báo ngày 17/8 của Nhà Trắng cho biết Mỹ và Argentina đã đạt được thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu thịt lợn từ Mỹ sang quốc gia Nam Mỹ này, vốn bị ngưng trệ suốt 25 năm qua, sau cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Tổng thống Argentina Mauricio Macri trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN