Sáng 26/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2012. Nhiều đại biểu nhận định, quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thoái vốn, quản lý đất đai, xử lý công nợ... Điều này khiến cho tiến độ sắp xếp, đổi mới chậm hơn so với kế hoạch.
Nhiều vướng mắc
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2012, Bộ có kế hoạch sắp xếp, đổi mới 16 đơn vị, trong đó cổ phần hóa 11 đơn vị, tái cơ cấu tài chính để chuyển thành công ty cổ phần 3 đơn vị và sáp nhập 2 công ty vào Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam. Ông Phạm Quốc Doanh - Phó trưởng ban Đổi mới và Phát triển DN cho biết, công tác cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp năm 2012 của Bộ NN&PTNT được triển khai tương đối mạnh so với các bộ, ngành khác. Năm 2012, cả nước mới CPH 13 đơn vị, trong đó, Bộ NN&PTNT đã CPH được 6 đơn vị, chiếm gần một nửa.
Đóng bao đường thành phẩm tại Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Đến nay, việc sáp nhập 2 công ty đã hoàn thành. Trong số 3 đơn vị thuộc diện tái cơ cấu tài chính để chuyển thành công ty cổ phần, có 2 đơn vị là Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc và Xí nghiệp Dâu tằm tơ Tháng 8 (thuộc Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam) chưa đủ điều kiện tái cơ cấu do Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) chưa thực hiện được việc mua các khoản nợ của 2 đơn vị.
Tuy nhiên, có 4 đơn vị thuộc diện CPH nhưng chưa thực hiện được. Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp chưa được xác định giá trị DN năm 2012. Tổng công ty này đang hoàn thiện lại hồ sơ xác định giá trị DN và sẽ tiếp tục CPH trong năm nay. Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam vẫn chưa thống nhất được giá trị của cầu cảng. Do đó, thời gian xác định giá trị DN được lùi lại đến hết tháng 3/2013. Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Hà Nội đã có quyết định CPH từ năm 2012 nhưng không đủ điều kiện CPH do bị âm vốn chủ sở hữu 18,7 tỷ đồng. Công ty TNHH một thành viên sản xuất và dịch vụ khoa học công nghệ thủy sản thuộc Viện Thủy sản II xác định giá trị DN không đủ điều kiện CPH, phải chuyển sang hình thức giải thể.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng tiến độ CPH của các DN thuộc Bộ còn chậm. Ông Phạm Quốc Doanh cũng nhìn nhận: “Tiến trình sắp xếp, đổi mới, CPH các DN nông nghiệp còn nhiều vướng mắc về thoái vốn, xử lý công nợ, quản lý đất đai, vốn vay ODA... Bên cạnh những DN CPH làm ăn có lãi thì vẫn còn một số DN CPH hoạt động kém hiệu quả, lãi không được bao nhiêu, vẫn trông vào công ty mẹ...”.
Cần cơ chế đặc thù
Theo kế hoạch, năm nay, Bộ tiếp tục chỉ đạo hoàn thành công tác CPH 6 đơn vị đã được phê duyệt phương án CPH năm 2012. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chuyển Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam thành công ty cổ phần, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2013. Cuối cùng là trước 24/4/2013, sẽ kết thúc việc giải thể Công ty TNHH một thành viên sản xuất và dịch vụ khoa học công nghệ thủy sản thuộc Viện Thủy sản II.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng và Thủy lợi, để việc CPH được tiến hành nhanh chóng, cần phải tăng cổ phần cho người lao động. Theo lãnh đạo Tổng Công ty này, hiện nay, quy định của Nghị định 59/2011/NĐ - CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, số cổ phần người lao động được mua được tính theo số năm công tác. Mỗi năm được mua 100 cổ phần là quá ít. Cũng đồng tình với đề xuất này, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Hà Nội đề nghị cần có cơ chế ưu đãi để người lao động được mua nhiều cổ phiếu hơn.
Để đẩy nhanh DN, thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành có liên quan có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Bộ kiến nghị Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù cho phép xử lý các khoản nợ ODA đối với DN thuộc Bộ để tạo điều kiện cho việc xác định giá trị DN. Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành các quy định, cơ chế thuộc lĩnh vực tài chính theo Nghị định số 99/2012/NĐ - CP; đồng thời, trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 59 để tháo gỡ khó khăn trong việc CPH DN 100% vốn nhà nước và bán cổ phần lần đầu. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam có cơ chế bán nợ cho DATC, để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu tài chính DN.
Mạnh Minh