Ông Marcus, người đứng đầu dự án đồng tiền điện tử Libra của Facebook, đã tìm cách "giải tỏa" mối quan ngại chính mà Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nêu ra là khả năng một doanh nghiệp có "sức mạnh" làm suy giảm sự kiểm soát của chính phủ đối với đồng tiền điện tử của doanh nghiệp đó.
Ông Marcus cho biết, ngay từ đầu, Facebook đã xác định rất rõ ràng về việc các mạng lưới thanh toán như Libra sẽ không bị kiểm soát bởi một doanh nghiệp.
Phát biểu tại một diễn đàn do G30 - gồm các ngân hàng tư nhân và trung ương của nhiều nước trên thế giới - tổ chức, ông Marcus nhắc lại cam kết của Facebook về việc phối hợp với các nhà quản lý để giải quyết những quan ngại của họ.
Ngoài ra, ông Marcus cho hay Hiệp hội Libra - bao gồm 21 doanh nghiệp - sẽ “hoan nghênh sự cạnh tranh mang lại lợi ích cho sự tiếp cận ở địa phương và nỗ lực giảm chi phí xuống mức thấp nhất cho người tiêu dùng".
Các quan chức ngân hàng trung ương và phụ trách lĩnh vực tài chính của các nước lâu nay tỏ ý lo ngại về những thách thức do các đồng tiền điện tử gây ra và nguy cơ chúng được sử dụng cho các mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Đồng Libra khác với các đồng tiền điện tử khác như Bitcoin do đây sẽ là “một đồng tiền ổn định” vì có sự liên kết với đồng tiền của các nước. Tuy vậy, phát biểu bên lề các hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra trong tuần trước tại Washington (Mỹ), ông Le Maire cho rằng chính phủ các nước châu Âu "sẽ không cho phép một công ty tư nhân có một quyền hạn tương tự như các quốc gia trong vấn đề tiền tệ và sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn đồng Libra tiếp cận thị trường châu Âu".