Thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Xây dựng diễn ra ngày 18/12 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, năm 2021, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong năm, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện - tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, đạt 34,3%.
Cùng đó, Bộ Xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 14 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đồng thời, Bộ đã thực hiện phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng thông qua điều chỉnh quy mô, phân cấp công trình xây dựng.
Nhằm mục tiêu giảm số lượng văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực thi, tra cứu, áp dụng pháp luật và giảm chi phí soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Xây dựng đã thay thế, tích hợp 4 Thông tư hiện hành quy định các nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn thi công xây dựng vào cùng 1 Thông tư; đã thay thế, tích hợp 9 Thông tư hiện hành quy định các nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng vào 3 Thông tư.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã có tờ trình, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa 1 điều kiện đầu tư kinh doanh, 41 thủ tục hành chính theo hướng: tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm một số loại tài liệu, văn bản pháp lý mà có thể khai thác được từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực; tăng cường phân cấp, tạo chủ động cho địa phương; làm rõ, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; tiếp tục cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng của Việt Nam; tổ chức khảo sát, nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí, thực hiện đánh giá, xếp hạng mức độ cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.
Việc tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật đã được Bộ Xây dựng thực hiện với kết quả tích hợp, thay thế nhiều Nghị định, Thông tư...
Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng đã chủ động đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021-2025.