Chính sách, chiến lược cụ thể
Ông Nguyễn Đức Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Napoli cho rằng, sau thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt quá lâu, cả doanh nghiệp và người dân đều đã mệt mỏi. Do đó, Chính phủ và Thành phố có kế hoạch kiểm soát dịch linh động hơn theo sát thực tế dịch tại địa phương trên tinh thần tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất. Kể cả doanh nghiệp đang tạm ngưng cũng có thể chuẩn bị các điều kiện để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng tiêu dùng, xuất khẩu tăng cao vào dịp cuối năm.
“Nếu chậm trễ khôi phục sản xuất, kinh doanh, cơ hội quay lại thị trường của doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong mấy tháng qua sẽ không còn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường và con số này là không hề nhỏ.” ông Nguyễn Đức Hưng nhấn mạnh.
Liên quan đến phương án kiểm soát dịch bệnh, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean nhận định, ý thức trách nhiệm phòng chống dịch của người dân và doanh nghiệp đã được nâng cao, vì vậy đề nghị ngành y tế không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ 3 ngày hay 7 ngày/lần mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao trong doanh nghiệp, nhân sự mới, để giảm bớt gánh nặng chi phí. Ngành y tế cũng cần hướng dẫn thực hiện và công nhận kết quả test nhanh của doanh nghiệp, có giá trị trong kiểm soát phòng, chống dịch ở giai đoạn bình thường mới.
Đối với vấn đề tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, các doanh nghiệp nêu vấn đề, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, song mức độ thiệt hại là khác nhau; trong đó các doanh nghiệp ở trong vùng tâm dịch phải cách ly, giãn cách thời gian dài như TP Hồ Chí Minh chịu tổn thất nghiêm trọng hơn cả. Do dó, doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng khi ban hành các chính sách cần quan tâm ưu tiên, có thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sớm được phục hồi.
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng xem xét ban hành theo đối tượng doanh nghiệp và mục tiêu phục hồi kinh tế để thiết thực và có hiệu quả cao hơn. Cụ thể, tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh, có khả năng đóng góp cao cho nền kinh tế để làm đầu tàu kéo các doanh nghiệp khác, giảm số doanh nghiệp phá sản, giải thể. Đối với nhóm doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi nữa thì cần chính sách hỗ trợ an sinh xã hội để doanh nghiệp và người lao động ổn định cuộc sống, chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất khác.
Nguồn vốn để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập. Theo đó, để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu; xem xét duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần và đầu tư xây dựng Phúc Khang cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ vốn, việc khai thông nguồn lực của doanh nghiệp thông qua tháo gỡ các thủ tục hành chính là vô cùng quan trọng.
Hiện nay có rất nhiều dự án của doanh nghiệp đã sẵn sàng về đất đai, vốn đầu tư, kế hoạch kinh doanh khai thác nhưng do vướng mắc các thủ tục hành chính, sự chồng chéo các quy định của pháp luật cản trợ việc triển khai dự án. Chỉ cần được tháo gỡ thủ tục thì đây là nguồn lực lớn để đóng góp cho tăng trường phục hồi kinh tế và giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội.
Tái tạo và phát triển liên kết vùng
Kinh tế TP Hồ Chí Minh gắn liền với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuy nhiên thời gian qua, do chính sách phòng chống dịch của các địa phương có nhiều khác biệt đã làm đứt gãy các chuỗi liên kết, cung ứng của khu vực. Do đó, TP Hồ Chí Minh không thể “một mình một chợ” khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tái tạo lại và phát triển chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu – sản xuất với các tỉnh, thành trong vùng là rất quan trọng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho ngành sản xuất lương thực thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận; trong đó, rau củ được nhập từ Tây nguyên, thịt gia súc gia cầm nhập từ các tỉnh Đông Nam bộ và thủy sản từ Đồng bằng sông Cửu Long. Để không lặp lại tình trạng nông, thủy sản ùn ứ tại vùng nuôi, trồng trong khi doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu, TP Hồ Chí Minh phải sớm xúc tiến trao đổi, hợp tác với các tỉnh, thành có vùng nguyên liệu lớn thống nhất cùng triển khai hành động kết nối, củng cố lại chuỗi liên kết cung ứng chế biến của khu vực.
Bên cạnh việc thực hiện nhất quán chủ trương kiểm soát phòng chống dịch, tạo điều kiện cho hàng hóa được lưu thông liên tục thì TP Hồ Chí Minh đề xuất nhu cầu thị trường cần, các phương án bao tiêu đầu ra và đề nghị các tỉnh cam kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng của vùng nguyên liệu theo từng thế mạnh của địa phương.
Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP Hồ Chí Minh nêu thực tế, ngay cả trong thời gian TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam cùng thực hiện Chỉ thị 16 thì quy trình kiểm soát và các điều kiện để được vận chuyển hàng hóa mỗi nơi thực hiện một kiểu khiến doanh nghiệp vô cùng lúng túng và khó khăn.
Hầu hết doanh nghiệp có trụ sở, văn phòng giao dịch tại TP Hồ Chí Minh nhưng nhà máy, xưởng sản xuất ở các tỉnh lân cận, hoặc nhà máy ở TP Hồ Chí Minh thì kho nguyên liệu, hàng hóa cũng đặt ở tỉnh khác. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra tình trạng doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng các xe vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa lại không được phép di chuyển hoặc phải thực hiện các quy định riêng của từng địa phương dẫn đến doanh nghiệp không thể có nguyên liệu sản xuất, hàng hóa sản xuất ra cũng không thể cung ứng ra hệ thống phân phối.
“Chính vì vậy, khi xác định mở cửa sản xuất kinh doanh “thích ứng linh hoạt với COVID-19”, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà cả vùng kinh tế phía Nam phải xây dựng được phương án “thích nghi” đồng bộ, ưu tiên việc củng cố liên kết vùng giữa các doanh nghiệp cùng chuỗi ngành hàng.”, ông Đoàn Võ Khang Duy nêu ý kiến.
Cũng như nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa, nguồn lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có sự gắn kết chặt chẽ khi phần lớn công nhân, nhân viên làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố là người dân đến từ các tỉnh, thành khác. Vì vậy, trong kế hoạch khôi phục sản xuất của doanh nghiệp Thành phố không thể không có phương án đưa người lao động từ các tỉnh, thành trở lại làm việc.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NHHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh phải có kế hoạch sớm, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp trong việc tổ chức đón người lao động trở lại làm việc. Bởi khi đưa người lao động từ các tỉnh, thành khác về Thành phố trong bối cảnh hiện nay, vẫn phải bố trí địa điểm cách ly, thực hiện xét nghiệm sàng lọc và tiêm vaccine cho những người chưa tiêm rồi mới có thể đưa vào nhà máy làm việc.
Theo ông Phạm Văn Việt, việc kêu gọi người lao động đã về quê trở lại Thành phố, nhất là những lao động ở xa là rất khó khăn bởi nhiều người có tâm lý lo ngại dịch bệnh, một số khác vướng bận gia đình hoặc mong muốn tìm một công việc khác. Ngay cả khi người lao động cũ sẵn sàng quay lại làm việc thì thời gian để tạo nguồn lao động “xanh” cho việc khôi phục sản xuất phải tốn ít nhất từ 2-3 tuần nên không thể chậm trễ hơn nữa.
Các chuyên gia đều nhận định, chuỗi cung ứng và sự luân chuyển lao động giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam bộ là rất lớn và tác động chặt chẽ lẫn nhau. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tổ chức khôi phục sản xuất của TP Hồ Chí Minh sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự phối hợp và đạt được những điều kiện tương đồng với các địa phương.
Do đó, các tỉnh, thành cần phải thống nhất đưa ra các chính sách đồng bộ trong phòng, chống dịch và mở cửa kinh tế cho cả khu vực mới có thể đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của vùng kinh tế phía Nam từng bước trở lại quỹ đạo trước dịch và phát triển đồng bộ hơn trong tương lai.