Hiện cả 3 gói thầu XL1, XL2, XL3 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đều được tổ chức thi công 3 ca với 43 mũi thi công 3.200 nhân sự, thiết bị trên công trường. Đến nay, tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt khoảng 22%. Nhiều điểm được giao mặt bằng sớm như đoạn qua xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành các đơn vị thi công đã bắt đầu cấp phối đá dăm để chuẩn bị cho việc thảm nhựa. 2 trong số 3 hầm trên tuyến đã được đào thông, 58/77 cầu đang được thi công, khối lượng nền đường trên tuyến đã được đắp đạt 3,3/12,1 triệu m3.
Theo kế hoạch năm 2024, nhà thầu sẽ thi công với sản lượng lũy kế đạt khoảng 7.500 tỷ đồng, trong đó sẽ hoàn thiện mặt đường, vỏ hầm, thiết bị của hầm xuyên núi số 1 và hầm số 2; hoàn thành đắp đất nền đường và thi công một phần bê tông nhựa. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đang bị vướng mặt bằng và gặp khó trong khai thác các mỏ vật liệu. Trong khi tỉnh Bình Định đã bàn giao 100% mặt bằng, thì tỉnh Quảng Ngãi mới đạt 95%.
Ghi nhận tại hiện trường vị trí đầu tuyến Km0+800 thuộc gói thầu XL1 qua xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Vị trí này được thiết kế xây dựng cầu vượt nối cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng các đơn vị thi công vẫn chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng. Trên tuyến hiện vẫn còn 50 hộ dân chưa thống nhất nhận tiền bồi thường, 99 nhà dân chưa được tháo dỡ, di dời. Ông Nguyễn Đăng Hòa, Chỉ huy trưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dacinco cho biết, do mặt bằng xôi đỗ và trên tuyến hiện không có đường tiếp cận thi công nên tiến độ vị trí đầu tuyến này chỉ mới đạt 70% so với yêu cầu. Nút găng của đoạn tuyến này là cầu vượt vẫn chưa được giải tỏa mặt bằng, vị trí này cần sớm được tháo gỡ các vướng mắc để triển khai thi công ngay thì mới kịp tiến độ.
Theo dại diện nhà thầu thi công Tập đoàn Đèo Cả, trên tuyến hiện có khoảng 20 vị trí chưa giải phóng xong mặt bằng phần lớn các vị trí là đường găng tiến độ như nút giao đầu tuyến ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, cầu vượt Quốc lộ 24, cầu Eo Gió, cầu Sông Quán của thị xã Đức Phổ.
Ngoài ra, còn nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng ngành điện cũng chưa được di dời. Ngoài ra, trữ lượng mỏ đã được cấp phép cho cao tốc là 5,3m3 đất đắp và 0,24 triệu m3 cát. Tuy nhiên, chi phí đền bù của một số mỏ nhà thầu thương lượng với người dân cao hơn khoảng 3 lần so với quy định, lại không có đường tiếp cận, nên trong thực tế trữ lượng mỏ đang được khai thác cho dự án chỉ đạt 3,2 triệu m3 đất và 0,1 triệu m3 cát.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Huy cho biết, hiện cả hai gói thầu XL1 và XL2 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều vướng nhất là giải phóng mặt bằng và mỏ vật liệu. Do vậy, tiến độ thực hiện dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trong mùa khô năm nay không đạt được kết quả cao. Hiện đã cấp phép 16/19 mỏ vật liệu cho cao tốc, số lượng cấp phép mỏ là tương đối lớn nhưng thực tế chỉ khai thác được số lượng nhỏ do gặp khó khăn trong đường tiếp cận, vận chuyển. Tập đoàn mong muốn tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với chủ đầu tư sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, thực hiện đúng như cam kết hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến, bàn giao cho nhà thầu trước ngày 30/4.
Quảng Ngãi đang bước vào những tháng nắng nóng, đây là thời điểm các nhà thầu tăng tốc để nâng cao tiến độ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trước mùa mưa. Thế nhưng, việc không có mặt bằng sạch để thi công liên hoàn khiến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khó hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trước ngày 30/4 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành thi công toàn tuyến trong tháng 6/2025.