Nhằm giúp doanh nghiệp và người trồng cao su giảm bớt khó khăn, các ngành chức năng đang quyết liệt nhập cuộc. Doanh nghiệp trồng, sơ chế và xuất khẩu nguyên liệu thô cũng đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng công nghiệp chế biến sâu, tận dụng cơ hội giá nguyên liệu đầu vào rẻ phát triển sản phẩm cao su.
Chuyển từ xuất thô sang chế biến sâu
Một trong những mô hình khai thác được thế mạnh nguồn nguyên liệu cao su trong nước có thể kể đến là Công ty CP VRG Khải Hoàn. Trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Khải Hoàn đang nổi lên như một điển hình thành công về tận dụng nguồn nguyên liệu cao su sẵn có trong nước dồi dào để sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Sản phẩm chính của doanh nghiệp là găng tay cao su có bột và không bột phục vụ ngành y tế cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. “Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đầu tư vốn và cung cấp nguyên liệu ổn định cho Khải Hoàn và doanh nghiệp này đang dẫn đầu về quy mô sản xuất và xuất khẩu găng tay của Việt Nam. Để giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, đây là mô hình thành công để các doanh nghiệp học hỏi”, ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho hay.
Cần sớm có quy định cụ thể về trồng, chế biến gỗ cao su. |
Tháng 7/ 2015 Công ty CP Chỉ sợi Cao su VRG SaDo bắt đầu đi vào sản xuất và được các chuyên gia trong ngành đánh giá có triển vọng là một trong những doanh nghiệp sản xuất chỉ thun hàng đầu của Việt Nam. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa nhà sản xuất nguyên liệu cao su thiên nhiên - Công ty TNHH MTV Công ty Cao su Đồng Nai - và hai doanh nghiệp công nghiệp chế biến - Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và Công ty CP Cao su Bến Thành.
Trước đó Công ty CP Cao su Đồng Phú (Bình Phước) cũng đã thành lập Công ty CP Cao su kỹ thuật Đồng Phú. Thông qua đơn vị thành viên này, doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất các mặt hàng từ cao su thiên nhiên như: Nệm, gối... phân phối ra thị trường. Hiện nay, sản phẩm nệm gối cao su Đồng Phú đã được phát triển rộng rãi trong nước và thâm nhập vào nhiều thị trường xuất khẩu.
Đánh giá chung về hướng đi của các DN, ông An cho biết: “Hiện các doanh nghiệp đang phát triển nhiều mô hình liên kết từ nhà cung cấp nguyên liệu đến chế biến sản phẩm, mở ra triển vọng nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cao su và giảm bớt xuất khẩu nguyên liệu thô. Trước tình hình thực tế giá mủ đang xuống thấp, các doanh nghiệp đang tìm cách áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư những sản phẩm thế mạnh, phát triển theo xu hướng tập trung vào chất lượng… từng bước chuyển hướng sang sản xuất nguyên liệu đầu vào, đặt trọng tâm vào thị trường nội địa. Cách làm này đang là hướng đi tốt, góp phần giảm thiểu khó khăn cho ngành cao su hiện nay”.
Ưu đãi phát triển công nghiệp chế biến cao su
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành cao su giảm bớt khó khăn, Hiệp hội Cao su Việt Nam vừa kiến nghị và được Bộ Tài chính xem xét để áp dụng chính sách miễn giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp, hợp tác xã trồng, chế biến cao su. Riêng về thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện còn gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cao su, hiệp hội tiếp tục kiến nghị trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Theo đó, có thể xem xét xếp mặt hàng mủ cao su sơ chế vào nhóm sản phẩm trồng trọt sơ chế để được áp dụng chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại, đồng thời doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhóm mặt hàng này vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Ông Võ Hoàng An cho rằng, bên cạnh những chính sách về thuế, Nhà nước cần tăng cường quản lý chất lượng cao su thiên nhiên nguyên liệu cũng như cần xây dựng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng cao su thiên nhiên. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng các quy định cụ thể và hướng dẫn doanh nghiệp trồng, chế biến gỗ cao su, đáp ứng các yêu cầu về gỗ cao su hợp pháp giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. “Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc giúp xây dựng thương hiệu ngành, tạo điều kiện nâng cao uy tín ngành cao su và sản phẩm cao su Việt Nam, cũng như có chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su bao gồm: Thuế, mặt bằng nhà máy, đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ…”, ông An nói thêm.
Về vấn đề này, ông Hà Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã chỉ đạo các địa phương trồng cao su rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp để phát triển cao su bền vững. Các tỉnh cần tập trung đánh giá toàn diện những khó khăn, thuận lợi, hiệu quả sản xuất, từ đó đề xuất định hướng quy mô phát triển, giải pháp quản lý quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn. Trước mắt tạm dừng không trồng mới cao su, chuyển hướng tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có nâng cao năng suất, chất lượng…
“Hiện các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành cũng như áp dụng các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp đối với cây cao su để tăng thu nhập. Mục tiêu của bộ là phát triển thị trường nội địa đạt từ 30 - 50%, tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường trọng điểm khác như: Ấn Độ, Malaysia… Riêng ngành cao su, ngay từ bây giờ phải xác định chiến lược trọng tâm là đẩy mạnh tiến độ việc thực hiện đề án tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp theo hướng bền vững…”, ông Tuấn nói thêm.