Cao su chật vật vượt khó - Bài 1

Ở các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương… hiện nay cao su đang vào mùa thay lá. Nếu như mọi năm, hai bên đường cây cao su đâm chồi xanh non mơn mở thì năm nay, hình ảnh những vườn cao su xanh mướt không còn nữa, thay vào đó là những vết cắt loang lổ của vườn cây cao su bị chặt bỏ ngổn ngang, hoang tàn do vắng người chăm sóc.

CAO SU TIỂU ĐIỀN BỊ ĐỐN BỎ

Được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cao su, tỉnh Bình Phước có hơn 233.738 ha cây cao su với sản lượng 301.059 tấn/năm, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm gần 50%. Theo số liệu khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 700 ha cao su tiểu điền bị nông dân địa phương chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng hồ tiêu, cây điều và các loại cây trồng khác. Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra ở tỉnh Tây Ninh. Tính đến hết 9 tháng năm 2015 toàn tỉnh đã phá bỏ gần 1.000 ha cao su để chuyển sang trồng mì và các loại cây trồng khác.

Nhà nông tỉnh Tây Ninh đang cưa bỏ hơn 4 ha cao su 3 năm tuổi tại xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành. Ảnh: Đức Hoảnh

Dưới cái nắng trưa gay gắt như đổ lửa, anh Nguyễn Văn Phúc ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vẫn đang cùng những người thân trong gia đình hì hục chặt bỏ vườn cây cao su đang thời kì cho mủ. Cách đó không xa, vườn cao su hơn 5 năm tuổi của gia đình chị Hà Thị Thu cũng đã bị chặt phá sạch, chuẩn bị cày xới chuyển sang trồng cây khác. Chỉ tính riêng tại xã Đôn Thuận hiện có hơn 100 ha cao su bị người dân rao bán thanh lý cho thương lái thu mua lấy gỗ, củi. Do nhiều người kêu bán vườn cây cao su, các thương lái mua gỗ, củi ép giá, nên giá bán đã giảm trung bình từ 100 triệu đồng/ha trước đây, nay chỉ còn 50 triệu đồng/ha.

“Trung bình cứ mỗi 1 ha cao su được chăm sóc tốt cho khoảng 60 - 65 kg mủ nước/ngày. Với giá bán mủ cao su xuống thấp từ 50.000 đồng/kg ở thời điểm năm 2012 đến nay chỉ còn hơn 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người trồng cao su cũng chỉ thu về khoảng hơn 100.000 đồng/lần cạo. Số tiền này không đủ chi phí cho công sức chăm sóc. Vì khai thác vườn cây không còn hiệu quả, nên bà con nông dân đang tiếp tục phá bỏ vườn cây năng suất thấp, bán cho thương lái lấy gỗ, củi để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn”, anh Phúc cho biết.

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 chỉ khoảng 800.000 ha và giữ diện tích ổn định ở mức này. Tuy nhiên theo số liệu khảo sát của ngành nông nghiệp, đến nay diện tích cây cao su cả nước đã vượt hơn 155.700 ha so với quy hoạch. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ vượt hơn 135.000 ha mà chủ yếu do dân tự chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng cao su.

Các tỉnh “đi đầu” về tăng diện tích cao su bao gồm: Bình Phước vượt 82.000 ha, Tây Ninh vượt 33.200 ha, Bình Thuận vượt 10.800 ha… và hiện cũng là những địa phương “đi đầu” trong việc chặt bỏ cây cao su. Chính việc ồ ạt phát triển cây cao su không theo quy hoạch, thiếu sự kiểm soát đã góp phần làm gia tăng tình trạng cung vượt cầu, làm cuộc sống người trồng cao su thêm khó khăn.

Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 được dự báo chỉ đạt 3,1%, giảm 0,3% so với mức tăng trưởng trong năm 2014. Các nền kinh tế tiên tiến sẽ phục hồi nhẹ, trong khi đó các thị trường mới nổi và những nền kinh tế đang phát triển, trong đó bao gồm Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2015. Chính bối cảnh này sẽ làm cho nhu cầu tiêu thụ cao su tăng chậm, dư cung vẫn còn quá lớn làm cho giá cao su thiên nhiên vẫn trong xu hướng giảm. Ngoài ra, giá dầu thô giảm mạnh do cung vượt cầu sẽ làm cho cao su tổng hợp trở nên rẻ hơn, gây áp lực cạnh tranh với cao su thiên nhiên về giá và cả về lượng tiêu thụ.

Có nhiều năm “chinh chiến” với cây “vàng trắng”, ông Phan Thành Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho hay, giá cao su chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những yếu tố bao gồm: Giá dầu thô, biến động tiền tệ, chính sách vĩ mô của các nước… “Mức tiêu thụ cao su thiên nhiên của ta để chế biến những sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp… vẫn còn hạn chế nên trong tương lai dài ngành cao su sẽ vẫn phải tiếp tục xuất khẩu khoảng hơn 70% nguyên liệu thô. Hiện nhu cầu từ nhà nhập khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới - Trung Quốc đang sụt giảm nghiêm trọng trong khi đây là thị trường xuất khẩu cao su quan trọng nhất của Việt Nam. Tương lai của ngành cao su sẽ vẫn còn u ám trong thời gian 4 - 5 năm nữa”, ông Dũng phân tích.

Bài cuối: Xây dựng chiến lược phát triển dài hạn
Hoảnh-K’Gửi-Nghĩa
Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc- Bài 1
Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc- Bài 1

Cây cao su được mệnh danh là “vàng trắng” và được kỳ vọng là cây thoát nghèo của người dân các tỉnh Tây Bắc. Sau nhiều năm, khi những vườn cây cao su xanh tốt sắp cho thu hoạch, thì duyên nợ của người dân với cây cao su lại rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”… Điều đáng lo ngại là khi đất rừng bị phá bỏ để trồng cao su mà không hiệu quả thì không chỉ đời sống người dân mà cả môi trường sinh thái cũng bị ảnh hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN