Song, triển vọng tăng trưởng ảm đạm của kinh tế toàn cầu trước tác động từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung đã phần nào kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng này.
Vào lúc 13 giờ 51 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 25 xu (0,4%) lên 63,64 USD/thùng, sau khi tăng 0,3% trong phiên trước. Trong khi đó, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng hơn 36 xu (0,6%) lên 56,20 USD/thùng, sau khi ghi nhận mức tăng 0,25% trong phiên 25/7.
Theo các chuyên gia, mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Trung Đông đã tạo đà cho giá dầu đi lên thời gian gần đây. Ngày 19/7, giới chức Iran thông báo đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh khi tàu này đang trên hành trình tới một hải cảng ở Saudi Arabia nhưng đã bất ngờ đổi lộ trình sau khi đi qua eo biển tại vùng Vịnh.
Trước đó vài giờ, một tòa án của vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh thông báo sẽ gia hạn giữ tàu "Grace 1" của Iran thêm 30 ngày. Đây là tàu chở dầu của Iran bị chính quyền Gibraltar bắt giữ ngày 4/7 trong một chiến dịch có sự phối hợp của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh với lý do tàu vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria. Những diễn biến này đang khiến tình hình tại Trung Đông thêm căng thẳng.
Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” vẫn chịu áp lực trước những quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến do hãng Reuters tiến hành mới đây, hơn 500 nhà kinh tế vẫn bày tỏ lo lắng về cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Các nhà kinh tế này cảnh báo kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ ngày càng lớn, bất chấp những đồn đoán về chương trình cắt giảm lãi suất hay nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Tâm lý bi quan càng trở nên rõ ràng hơn khi kết quả các cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện từ ngày 1-24/7 cho thấy, triển vọng tăng trưởng của gần 90% trong số hơn 45 nền kinh tế được khảo sát đã bị hạ thấp hoặc không thay đổi. Điều này không chỉ áp dụng cho năm nay mà cả năm 2020.