Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ định hướng tiếp tục đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực và triển khai các giải pháp kỹ thuật giúp nông dân, hợp tác xã canh tác lúa hiệu quả.
Đó là thông tin được ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết tại cuộc họp hướng dẫn hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cách thức thu thập dữ liệu bản đồ số do Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức vào ngày 16/1.
Ông Trần Thái Nghiêm cho biết, thành phố Cần Thơ hiện có khoảng 77.000 ha đất trồng lúa. Thành phố quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Phong Điền và các quận còn lại sẽ sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa. Đối với khu vực thị trấn ở các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ cũng được sử dụng linh hoạt đất trồng lúa. Trong khi đó, ngành nông nghiệp thành phố đang chịu tác động của một số dự án phi nông nghiệp, giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp và đặc biệt, thời kỳ 2021 - 2030, thành phố Cần Thơ phát triển mạnh khu công nghiệp. Do đó, đất trồng lúa của Cần Thơ cũng sẽ giảm dần.
Liên quan đến việc xây dựng những cơ sở dữ liệu đầu tiên cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ nhận định đây là điều cần thiết. Bởi khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thì vùng nguyên liệu và các giải pháp kỹ thuật cần được tính toán chặt chẽ và thể hiện minh bạch.
Bước đầu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xây dựng trên vùng chuyên canh nền tảng 180.000 ha thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) . Cục Trồng trọt, Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Ban quản lý các dự án nông nghiệp xây dựng bản đồ lúa gạo và thông tin đính kèm đối với phần diện tích này. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho từng chủ thể liên quan đến đề án, bao gồm: Hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà quản lý; xây dựng dự thảo tiêu chí năng lực và cam kết đối với doanh nghiệp khi tham gia đề án.
Theo đại diện Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thu thập thông tin hợp tác xã, định vị tọa độ vùng trồng lúa trên bản đồ là những bước đi đầu tiên xây dựng bộ dữ liệu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Thông tin thu thập bao gồm lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, mật độ gieo sạ, phương thức xử lý rơm, lượng phân bón sử dụng, quy trình canh tác bền vững đang áp dụng và hình thức liên kết thu mua từng hợp tác xã.
Đặc biệt, các hợp tác xã, cán bộ quản lý chuyên môn ở địa phương đã được hướng dẫn thực hiện cập nhật tọa độ thửa ruộng, vùng trồng lúa tham gia đề án lên bản đổ để đảm bảo yêu cầu của các tổ chức quốc tế khi chi trả tín chỉ carbon và tạo thuận lợi trong quá trình theo dõi, quản lý vùng nguyên liệu.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã cập nhật, chia sẻ thông tin liên quan, nhóm Zalo tập hợp những hợp tác xã, cán bộ quản lý địa phương trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã được lập ra.