Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo ngành nông nghiệp, Vườn Quốc gia Tràm Chim, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi cùng chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến sản xuất lúa sinh thái, hữu cơ; tổng quan về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Đồng Tháp; vai trò lúa sinh thái đối với quần thể sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim; giới thiệu về lúa hữu cơ tái sinh Australia - Việt Nam; chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, giải pháp trong việc áp dụng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, tỉnh đang nỗ lực tiếp cận và thực hiện phát triển lúa sinh thái, hữu cơ. Mỗi năm, Đồng Tháp có diện tích sản xuất lúa khoảng 490 nghìn ha, sản lượng từ 3,1 - 3,3 triệu tấn, là một trong những địa phương sản xuất lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Tọa đàm lần này không chỉ trao đổi về phát triển lúa sinh thái kết hợp bảo tồn sếu đầu đỏ, mà còn giới thiệu đến nông dân hướng đi mới trong sản xuất ngành hàng lúa gạo thời gian tới.
UBND huyện Tam Nông đang triển khai thực hiện Dự án “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim”. Mục tiêu là bắt đầu từ vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 đến năm 2027 đạt diện tích 200 ha sản xuất lúa sinh thái và đến năm 2032 phát triển, nhân rộng mô hình ra khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ông Nguyễn Văn Vũ Minh kỳ vọng, tọa đàm sẽ thu được những giải pháp, cách làm để hiện thực hóa mục tiêu đó.
Việc sản xuất lúa sinh thái ở huyện Tam Nông nhằm phát triển một hệ thống vùng sản xuất nông nghiệp sạch, sinh thái, hữu cơ đa canh để tạo sinh cảnh an toàn cho sự sinh sống của loài sếu đầu đỏ. Khu vực sản xuất lúa sinh thái là nơi để duy trì đa dạng sinh học ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim; là điểm gắn kết với du lịch sinh thái và tạo ra nông sản hữu cơ an toàn giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân sinh sống quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Gần đây, quy trình sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ được nông dân huyện Tam Nông quan tâm nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún; đa phần còn sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và các loài động, thực vật; trong đó có các loài chim, cò và sếu đầu đỏ sinh sống xung quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Việc phát triển vùng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ trong vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim là cần thiết, nhằm tạo nơi đến an toàn cho sếu, cũng là nơi phục hồi đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động từ canh tác lúa sử dụng nông dược, tạo môi trường sinh thái an toàn cho loài sếu di cư và sinh sống.
Sếu đầu đỏ là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ chính là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim nói riêng và của tỉnh Đồng Tháp nói chung. UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Mục tiêu chung của đề án là phục hồi, phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên.
Trong vòng 10 năm (từ năm 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.