Bảo tồn cây lúa trời ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có thảm thực vật rất phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, với 6 kiểu quần xã đặc trưng: quần xã sen, lúa ma, năng, mồm mốc, cỏ ống và quần xã rừng tràm. Đặc biệt, Vườn quốc gia còn bảo tồn, lưu giữ lúa ma hay còn gọi lúa trời (Oryza rufipogon Griff), là loại thực vật được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Cuộc sống dân dã của người dân tại cánh đồng lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp. Hàng ngày họ sống trên những chiếc ghe như thế này rồi đợi tối đi thu hoạch lúa ma. Ảnh: dantri.com.vn

Môi trường Vườn Quốc gia Tràm Chim rất tốt, mực nước các khu vực được đảm bảo theo chuẩn nên các thảm thực vật cũng được phục hồi và phát triển nhanh trong mùa nước nổi. Cây lúa ma hiện đang được lưu giữ và bảo tồn với diện tích hơn 800 ha, tồn tại được trên đồng nước ở Vườn Quốc gia Tràm Chim và hạt lúa là thức ăn cho nhiều loài. Thông tin từ Vườn Quốc gia Tràm Chim, diện tích lúa ma phát triển nhiều nhất là tháng mùa nước năm 2018 (có diện tích hơn 1.700 ha) và thấp nhất vào năm 2015 (với diện tích hơn 546 ha) vào mùa khô và mùa nước.

Ông Nguyễn Văn Hòa ở thành phố Cao Lãnh đã từng thưởng thức gạo lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, hạt gạo nhỏ, dẻo, có vị ngọt, béo, ngon, sở dĩ dân gian gọi là lúa ma vì hạt lúa có đuôi rất dài, Ngoài ra, hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời. Ngày xưa nông dân phải thức khuya chống thuyền vào ruộng thu hoạch lúa ma và trở về nhà trước khi mặt trời mọc. Lúa ma chín chỉ một lần duy nhất trong năm, là giống lúa có nguồn gen kháng rầy nâu và rầy lưng trắng khá tốt.

Lúa ma được Vườn Quốc gia Tràm Chim bảo tồn cho đến ngày nay. Lúa ma nằm rải rác trong các khu và nhiều nhất là khu A1 khu vực trạm Phú Hiệp, Phú Đức và Phú Thành B, có nơi toàn là lúa ma chiếm diện tích hơn 30 ha. Lúa ma vẫn xen lẫn với các loài quần xã khác trong vườn đất ngập nước như: Lúa ma xen lẫn cỏ ống, cỏ bắc, sen, súng, cỏ chỉ… Đối với phần lớn các loài chim trong Vườn Quốc gia Tràm Chim, đồng lúa ma vừa là nơi trú ngụ cho các loài cá, vừa là nơi cho các loài chim trú ẩn sinh sống. Hạt lúa ma cung cấp thức ăn cho các loài cá và các loài chim nơi đây.

Lúa ma trổ bông vào tháng 10 và bắt đầu chín vào tháng 11-12, bông lúa ma chín với vỏ trấu màu vàng đen, có chiếc đuôi dài. Giống lúa này mỗi lần chín chỉ vài hạt chứ không chín rộ cả bông như những giống lúa được trồng như hiện nay. Nếu không thu hoạch, đến khi mặt trời lên, hạt lúa chín sẽ tự rụng. Lúa ma chín vào mùa nước nổi nên muốn thu hoạch phải dùng thuyền và chỉ rung cây để đập cho hạt rơi vào thuyền. Đây là loại lúa chịu phèn, vượt nước rất tốt, có thể vượt mực nước có độ sâu từ 3-5 mét. Khi nước lũ dâng cao tới đâu lúa ma bò ngoi lên khỏi mặt nước tới đó, mỗi ngày vươn cao từ 0,1-0,15 mét và tồn tại được trên dòng nước. Nhờ có lúa ma, chuỗi thức ăn, hệ sinh thái ngập nước không bị đứt gãy ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, đối với lớp nước mặt rất chua (pH < 3), trong điều kiện chua này, hạt của các loài thực vật khác không thể nảy mầm nhưng hạt lúa ma vẫn nảy mầm và rễ phát triển sâu vào trong đất. Lúa ma tự động rụng vào đất, chờ đến mùa mưa năm sau lại nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới. Có thể thấy, các đặc tính như chịu phèn, chịu hạn, vượt nước, chín nhanh và hạt giữ được sức nảy mầm lâu đều không có ở các giống lúa cao sản đang canh tác hiện nay.

Theo ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm du lịch và Giáo dục môi trường, Vườn Quốc gia Tràm Chim: Vào mùa nước nổi trước đây, Vườn quốc gia tổ chức cho khách du lịch trải nghiệm thu hoạch lúa ma, phạm vi khai thác 134 ha ở khu vực trạm Phú Hiệp, Phú Đức, nhưng hiện nay không còn tổ chức, vì mùa nước rất thấp cho nên khó tổ chức du lịch trải nghiệm thu hoạch lúa ma.

Việc bảo tồn lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim có nhiều ý nghĩa với các nhà nghiên cứu khoa học, là nơi khảo sát, sưu tập quần thể lúa ma tại vùng ngập sâu và phèn nặng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đây, Vườn Quốc gia phát huy giá trị hệ sinh thái đất ngập nước trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời phân tích tính đa dạng di truyền của từng cá thể, làm vật liệu cho cán bộ kỹ thuật lai tạo những giống lúa thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Khởi động dự án hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông, Vườn Quốc gia Tràm Chim
Khởi động dự án hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông, Vườn Quốc gia Tràm Chim

Sáng 05/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Quy hoạch và trình diễn quản lý tổng hợp hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông (Khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim, Việt Nam)”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN