Cần Thơ đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố

Ngày 3/6, tại thành phố Cần Thơ, lần đầu tiên đã diễn ra cuộc họp đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp thành phố. Tham dự cuộc họp gồm các thành viên hội đồng là lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn cùng với các cá nhân là chủ sản xuất, sáng tạo sản phẩm.

Cuộc họp tiến hành đánh giá 5 sản phẩm OCOP đã thông qua tại vòng cấp huyện gồm: Mắm cá tra, rượu mận, nhãn Ido, bánh tráng dừa và bánh tráng ngọt.

Chú thích ảnh
Chủ sản phẩm trao đổi ý kiến với hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP.

Tại cuộc họp, hội đồng đánh giá, xếp hạng cấp thành phố đánh giá các sản phẩm trên cơ sở các hồ sơ được chủ sản phẩm cung cấp, bên cạnh đó tiến hành phản biện và trao đổi để làm rõ một số tiêu chí về nội dung, chất lượng sản phẩm. Trên cơ sở đánh giá điểm của các sản phẩm, các đại biểu tham dự cuộc họp tiến hành nêu ý kiến và góp ý để các sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hơn, tăng khả năng được thông qua tại vòng đánh giá cấp trung ương.

Về nguyên tắc đánh giá và xếp hạng sản phẩm, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực hội đồng OCOP chia sẻ, các sản phẩm được đánh giá chất lượng và xếp hạng căn cứ theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP được Thủ tướng, Chính phủ ban hành tháng 8/2019.

Theo đó, mỗi sản phẩm được đánh giá trên thang điểm 100 qua 3 tiêu chí: sản phẩm với sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm; điểm của từng sản phẩm bằng trung bình cộng của số điểm do các thành viên hội đồng chấm. Xếp hạng sản phẩm được đánh giá từ 1 đến 5 sao tương ứng với khung điểm theo quy định.

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP cho rằng các sản phẩm hiện tại vẫn còn được đánh giá một cách định tính do chưa có số liệu cụ thể và giải thích từ hội đồng chấm OCOP cấp huyện cụ thể như: sản phẩm mắm cá tra, sau khi thẩm định tại vòng cấp huyện được đánh giá điểm tuyệt đối cho chỉ tiêu về sử dụng tạp chất, nhưng chưa trình bày được các số liệu cho việc này.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, các chủ sản phẩm cần bổ sung thêm các hồ sơ, cung cấp số liệu khoa học để giải trình về chất lượng sản phẩm của mình, điều này sẽ tăng sức thuyết phục hơn đối với người tiêu dùng cũng như đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phát biểu tổng kết cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố - Chủ tịch hội đồng cho rằng, các chủ sản phẩm cần chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư bao bì, thêm vào đó xây dựng “cái riêng” của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Ông Dũng cũng đề nghị các thành viên hội đồng là các nhà quản lý, nhà khoa học công tác tại các sở ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tuc hỗ trợ cho địa phương cũng như các chủ sản phẩm trong việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Tin, ảnh: Trung Kiên (TTXVN)
Sản phẩm OCOP tạo sức bật cho du lịch phát triển
Sản phẩm OCOP tạo sức bật cho du lịch phát triển

Với quyết tâm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình kế hoạch, nhiều xã vùng cao của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đang nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) theo chỉ tiêu 10.2 của tiêu chí 10 về “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập” cho người dân, đồng thời biến các sản phẩm OCOP  trở thành lợi thế thu hút khách du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN