Cẩn thận kinh doanh trực tuyến

Thời buổi bận rộn, người tiêu dùng (NTD) chỉ cần click chuột là đã có thể chọn cho mình những vật dụng cần thiết.

Trăm hoa đua nở

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế với bằng khá, sau nhiều năm lăn lộn ở các công ty nước ngoài, chị Thuyên, nhà ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, quyết định ở nhà tìm việc ở các đơn vị nhà nước. Trong lúc ngồi nhà chờ việc, chị lên mạng mở một chuyên mục chuyên mua bán quần áo trẻ em tại một diễn đàn đang thu hút số lượng truy cập lớn từ các bậc phụ huynh. Tại đây, chị trưng bày các mẫu quần áo kèm giá cả, số điện thoại liên hệ và thường xuyên online để nhận những yêu cầu đặt hàng của NTD. “Công việc buôn bán khá thuận lợi. Giá bán của tôi “mềm” hơn so với giá của các cửa hàng khác do tiết kiệm được nhiều khâu như mặt bằng, nhân công, thuế…”, chị tâm sự.

Mặt hàng mỹ phẩm đang được ưa chuộng để chọn kinh doanh trên mạng.


Trong khi các doanh nghiệp bán hàng truyền thống đã mở thêm dịch vụ bán hàng trực tuyến, hiện thị trường cũng chứng kiến sự xuất hiện và phát triển không ngừng của nhiều trang chuyên bán hàng qua mạng như: muaban.net, 5giay.vn, rongbay.com... Với ưu điểm chỉ cần ngồi một chỗ, NTD sau khi tha hồ “săm soi” hàng hóa thì gọi điện, liên lạc với chủ hàng, sẽ có người mang hàng đến tận nơi. Những sản phẩm được rao bán qua mạng có đủ loại, từ bình dân đến cao cấp, phong phú đa dạng về chủng loại, nhóm hàng hóa. Tổng kết của website điện tử 5giay,vn, lượng giao dịch trên các website dạng này đang gia tăng theo hàng năm. Hiện không ít trang có lượng khách giao dịch đạt hơn 10.000 người trên cùng một thời điểm, góp phần tạo doanh thu cho các chủ doanh nghiệp.

Nhưng cũng lắm rủi ro

Theo anh Trương Võ Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tìm việc nhanh, thương mại điện tử là một hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả cao, song một khi gặp rủi ro thì những thiệt hại đối với các doanh nghiệp và NTD là không nhỏ. Ngoài những rủi ro do lỗi chủ quan của con người như sơ suất, thì các nguyên nhân khách quan khác như mất điện, bị virút xâm nhập… có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc làm rò rỉ cơ sở dữ liệu của khách hàng và đối tác, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh. “Trước khi quyết định giao dịch, NTD phải cẩn thận xác minh lại thông tin chuyển khoản, người bán hay sản phẩm cần mua. Các website bán hàng trực tuyến cũng phải thường xuyên nâng cấp, đảm bảo an ninh và thông tin quản trị để tránh những vụ lừa đảo làm hạ thấp uy tín của công ty”, anh Tuấn cho biết.

Khảo sát của các ngành chức năng, hiện có đến hàng trăm website đang hoạt động mua bán trên mạng và con số này đang không ngừng gia tăng. Thống kê của Cục Tin học nghiệp vụ, Bộ Công an, năm 2011, số lượng các trang web có chứa mã độc hại tăng gấp nhiều lần so với năm trước đó. Các website bị tấn công vẫn chủ yếu là những trang kinh doanh trực tuyến, ngân hàng, các tổ chức cung cấp dịch vụ… Các chuyên gia trong ngành khuyến cáo, NTD phải tự trang bị kiến thức, cẩn trọng và tự bảo vệ mình, trong đó không dễ dãi cung cấp những thông tin cá nhân như địa chỉ email, thẻ tín dụng…; không nên giao dịch những website không có địa chỉ cụ thể hoặc không đăng ký kinh doanh hợp pháp…

Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN