Trên thị trường cũng đã xuất hiện tình trạng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại các đô thị đang phát triển có công trình hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là đang phát triển ổn định.
Theo báo cáo chỉ số giá của Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dưng), tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng nhẹ khoảng 0,19% so với quý IV/2017; trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,33%, căn hộ trung cấp giá giảm nhẹ 0,01% và căn hộ bình dân giá tăng 0,84%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng nhẹ, khoảng 1,13% so với quý IV/2017.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư Quý I/2018 có mức tăng khoảng 1,24% so với quý IV/2017 - cao hơn Hà Nội. Phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,41%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,53% và căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,45%. Phân khúc nhà ở riêng lẻ giá tăng xấp xỉ 3,01% so với cuối năm 2017.
Trong năm 2018, dự kiến Hà Nội có khoảng 32.000 căn hộ mở bán mới tại Hà Nội, giảm khoảng 10% so với năm 2017. Mức chào bán giảm cho phép lượng hàng tồn kho có thời gian hấp thụ cũng là tín hiệu tốt cho thị trường.
Điều này cho thấy các chủ đầu tư ngày càng có kinh nghiệm hơn trong phát triển dự án và phân tích thị trường. Trong các quý sắp tới, dự kiến thị trường Hà Nội sẽ sôi động với hàng loạt các dự án bao gồm cả mở bán lần đầu và giai đoạn sau của các khu đô thị quy mô lớn như Ecopark, The Manor Central Park hay dự án Khu đô thị thành phố thông minh Nội Bài - Nhật Tân.
Tính đến thời điểm này, tồn kho bất động sản trên toàn quốc còn khoảng 24.293 tỷ đồng. So với lúc “đỉnh điểm” ở quý I/2013 là đã giảm được 104.255 tỷ đồng (giảm hơn 81%) và giảm 1.089 tỷ đồng (4,29%) so với kết thúc năm 2017.
Đáng chú ý, một số khu vực đã hình thành hoặc có quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng như: Quận 9, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), khu vực sân bay Long Thành (Đồng Nai)... giá đất tăng nhanh và có thời điểm tăng “nóng”.
Cùng đó, tại 3 địa phương đang chuẩn bị thành lập đặc khu kinh tế như Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có tình trạng phân lô bán nền, chuyển nhượng đất rừng, đất nông nghiệp trái quy định pháp luật diễn ra trên diện rộng cũng khiến giá đất bị đẩy tăng cao.
Các cơ quan chức năng nhận định, tình trạng này, nếu không được chấn chỉnh kịp thời thì không những có tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Theo các chuyên gia của Công ty tư vấn về bất động sản CBRE, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. CBRE dẫn chứng, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 2 quý qua đạt 20,3 tỷ USD, bao gồm vốn từ các dự án cấp phép mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này, ngành bất động sản thu hút 5,4 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng nguồn vốn FDI trong 6 tháng đầu năm. Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm với 5,8 tỷ USD.
Những dự án đáng chú ý điểm nhấn của 2 quý này là Tập đoàn Sumitomo, cùng với các đối tác trong nước như BRG đã được UBND Thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng thành phố thông minh tại huyện Đông Anh với vốn đầu tư 4,13 tỷ USD.
Tập đoàn Lotte cũng cam kết đầu tư 600 triệu USD vào dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn tại Hà Nội. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường bất động sản trong tương lai vẫn hấp dẫn cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại.
Tuy nhiên, năm 2018 đã qua nửa chặng đường, năm 2019 sắp tới đang được cảnh báo với sự lo ngại về chu kỳ khủng hoảng đã từng lặp lại theo giai đoạn 10 năm một lần kể từ năm 1999.
Theo Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam Đặng Phương Hằng, nhiều người đang hoài nghi về khả năng xảy ra khủng hoảng bất động sản và lặp lại vào thời điểm năm 2019.
Tuy nhiên, hiện tại nguồn cung bất động sản đã giảm chứng tỏ điều hành vĩ mô từ Chính phủ đã có tác dụng quản lý vấn đề này. Mặt khác, các chủ đầu tư cũng rất thận trọng khi tung các sản phẩm ra thị trường với sự tính toán kỹ lưỡng.
Còn về tiêu thụ thì số lượng người mua có nhu cầu thực tăng cao hơn nhiều so với số đầu cơ của những giai đoạn trước. Trên thị trường, sản phẩm bất động sản chỉ có 1 số có cơ hội tăng giá nhất định nên không còn hấp dẫn giới đầu cơ mà giờ chủ yếu là người mua nhà để cho thuê.
Cho dù chưa có dấu hiệu của “bong bóng” bất động sản nhưng cả chủ đầu tư và người mua vẫn cần cẩn trọng vì lãi suất ngân hàng tăng. "Bởi vậy, khi mua bất động sản hay vay để đầu tư vào thị trường này vẫn cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, không thể ồ ạt mua theo tâm lý đám đông như trước kia, phải chọn kỹ sản phẩm. Thị trường trước đây và hiện tại đã khác nhau rất nhiều", bà Đặng Phương Hằng phân tích.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Trần Kim Chung nhận xét, việc hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế như đối với các sản phẩm căn hộ khách sạn, văn phòng khách sạn như: condotel, officetel, hometel, sẽ có tác động đến phân khúc sản phẩm này. Cùng đó, việc thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc cũng có những tác động đến phân mảng thị trường tại địa bàn.
Đặc biệt, các chính sách có liên quan đến tài chính bất động sản như tái thế chấp, ngân hàng tiết kiệm tương hỗ nếu được nghiên cứu, ban hành cũng sẽ tạo luồng tiền cho thị trường bất động sản và sẽ có tác động đến thị trường trên tổng thể.
"Thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2018 có nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên, nửa cuối của năm 2018, thị trường bất động sản sẽ điều chỉnh", ông Trần Kim Chung dự báo.
Điều này sẽ thể hiện rõ nét nhất là ở những phân khúc thị trường mới nổi: các đặc khu kinh tế, phân khúc condotel, officetel, hometel, timeshare và đất nền ven đô. Nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến ổn định nên thị trường bất động sản không thể không có những biến động. Tuy vậy, các biến động sẽ không lớn.