Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài cuối

Xung quanh vấn đề lộ trình hạn chế xe máy, báo Tin Tức đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của ngành chức năng cũng như người dân.

TS.Phạm Sanh, chuyên gia giao thông TP Hồ Chí Minh: Ưu tiên phát triển xe buýt nhanh


Đô thị phát triển kéo theo nhu cầu đi lại gia tăng và khi hệ thống giao thông công cộng không đáp ứng được sẽ khiến giao thông đô thị trở nên lộn xộn. Đây là điều kiện tất yếu để xe cá nhân, nhất là xe máy gia tăng. Nhưng khi xe máy phát triển quá mức, thì hạ tầng không theo kịp. TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 8 triệu xe máy, đã vượt ngưỡng quá tải của hạ tầng từ lâu.
Nhiều quốc gia giải quyết hiệu quả vấn đề hạn chế xe cá nhân bằng cách thực hiện song song giải pháp phát triển giao thông công cộng và kiểm soát quy hoạch đô thị. Đối với TP Hồ Chí Minh hiện nay cần giải quyết nhu cầu đi lại của người dân một cách cân bằng theo hướng từng bước thực hiện lộ trình hạn chế xe máy và tập trung phát triển giao thông công cộng, trong đó ưu tiên phát triển xe buýt nhanh. Tiếp đến là hạn chế xây mới chung cư, cao ốc, khu thương mại trong khu vực trung tâm.


Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Nguyễn Hoàng Giáp: Đẩy mạnh quy hoạch đô thị


Sự gia tăng nhanh chóng của xe máy đang tạo ra một áp lực lớn cho giao thông thành phố Hà Nội. Vào giờ cao điểm, Hà Nội vẫn còn trên 70 nút giao thường xuyên có nguy cơ ùn tắc, trong đó lượng xe máy chiếm dụng phần lớn lòng đường. Hà Nội là một trong hai đô thị có lượng xe máy lớn nhất cả nước. Do đó, để tiến tới một thành phố văn minh, cần phải phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng nhiều loại hình khác nhau; đồng thời đẩy mạnh quy hoạch đô thị, giãn mật độ dân khu vực trung tâm... Đây là những cơ sở tiền đề để thực hiện lộ trình cấm xe máy.

Chánh văn phòng Tập đoàn Mai Linh, Hồ Quốc Phi: Tìm phương tiện thay thế


Xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân hiện nay. Do vậy, cần có phương tiện giao thông để thay thế khi thực hiện lộ trình cấm xe máy. Theo tôi, chỉ khi nào các phương tiện công cộng đảm bảo ít nhất 80% nhu cầu đi lại của người dân, thì những trở ngại từ việc cấm xe máy mới được giảm bớt. Giải quyết vấn đề này phải xuất phát từ cả hệ thống chính trị. Các cơ quan chức năng phải có chiến lược rõ ràng trong việc giải quyết giao thông công cộng, từ cơ sở hạ tầng đến đầu tư phương tiện; đồng thời phải có chính sách ưu đãi, thậm chí bù lỗ cho các doanh nghiệp tham gia phát triển vận tải công cộng.





Phó Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Tường: Tích cực tuyên truyền, vận động người dân


Nguyên nhân của các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông của TP thời gian qua chủ yếu đều do xe máy gây ra, chiếm tới 80% số vụ. Do vậy, việc hạn chế xe máy là giải pháp căn cơ, lâu dài mà TP phải sớm thực hiện.
Hiện nay, TP đang tập trung di dời cảng, bến xe, bến tàu, trường học, bệnh viện lớn ra ngoại thành, để tạo quỹ đất cho giao thông công cộng là xe buýt nhanh và tàu điện Metro. Sở GTVT thành phố cũng đang nghiên cứu, đề xuất lộ trình thời gian thực hiện hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, trước mắt phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, để người dân có ý thức tự giác thực hiện.

Bác Nguyễn Tiến Đức, cán bộ về hưu ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh): Đã đến lúc phải hạn chế xe máy


Đã đến lúc phải giảm tỷ lệ xe máy trong giao thông của TP. Đường lúc nào cũng đông nghịt xe máy, ra đường hiện nay cứ phập phồng lo sợ bị TNGT. Xe máy vừa là nguyên nhân chính gây tai nạn, vừa là thủ phạm gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, môi trường về lâu dài, do khó có thể đo đếm, kiểm tra điều kiện khí thải, trong khi lượng xe cũ nát hiện nay được người dân tận dụng triệt để, quá nhiều.

Tôi đã đi Hàn Quốc, tôi thấy hệ thống tàu điện ngầm của họ rất hiệu quả và được rất đông người sử dụng. Ở các nước châu Âu cũng vậy, họ phát triển hệ thống xe điện chạy trên mặt đất và cả tàu điện ngầm rất tốt, nên hầu như người ít tiền rất hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của người dân rất tốt. Trong tương lai gần, nếu không cải thiện “văn hóa xe máy” của nhiều người dân, sẽ rất khó xây dựng ý thức giao thông tốt trong tương lai xa và cơ quan quản lý cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nếu đầu tư phát triển vận tải công cộng phải đầu tư đồng bộ về chất lượng, phương tiện, đường xá dành riêng... Thực tế hiện nay, hệ thống xe buýt đang hoạt động có quá nhiều bất cập, nên chưa thu hút được đông đảo người dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên văn phòng... sử dụng.

Bác Nguyễn Đức Long, Tổ trưởng Tổ dân phố phường Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội: Sẽ có giải pháp


Nhiều người trong khu dân cư vẫn đặt câu hỏi: Cấm xe máy thì đi lại bằng gì? Câu trả lời đơn giản nhất là cấm xe máy thì đi lại bằng các phương tiện không phải xe máy như: Xe buýt, ô tô, xe đạp và đi bộ. Không quốc gia nào cấm xe máy lại để người dân không có phương tiện đi lại cả. Song, việc cấm xe máy cần có lộ trình thực hiện, không thể cấm ngay. Lộ trình này có thể kéo dài 10 - 15 năm tùy thuộc vào quyết tâm của các cơ quan chức năng và người dân.
Vấn đề không phải cấm xe máy thì đi lại bằng gì, mà cần bao nhiêu thời gian để có đủ các phương tiện giao thông thay thế. Đây là vấn đề cốt lõi, chính vì nó mà lộ trình cấm xe máy mới cần đặt ra, nhằm mục tiêu phát triển giao thông công cộng thay cho xe máy. Tuy nhiên, nếu chỉ chờ Nhà nước đầu tư, sẽ không bao giờ có giao thông công cộng thay thế được hoàn toàn xe máy.

Tiến Hiếu - Anh Đức - Minh Thuyết
(Mời xem toàn bộ loạt bài trên trang web: baotintuc.vn)
Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 3
Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 3

Chủ trương, lộ trình hạn chế xe máy tại các thành phố lớn được được dư luận thời gian qua đặc biệt quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN