Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 2: Hệ lụy từ xe máy

Vượt ngưỡng cho phép xe máy đang gây ra nhiều hệ lụy: Ùn tắc, ô nhiễm, tai nạn giao thông, phá vỡ trật tự đô thị…

Nhiều tai nạn do xe máy

Đi vào đường một chiều, đường cấm gây tai nạn; lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, vượt đèn đỏ; chở 5, 6 người, chở hàng quá khổ, quá tải; trẻ em vô tư điều khiển xe máy… không khó để bắt gặp được trên đường phố ở Việt Nam.

Xe máy gia tăng đang là nguyên nhân gây rối loạn giao thông tại các đô thị. Ảnh: Ủy ban ATGT quốc gia



Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, số vụ TNGT liên quan đến xe máy thường chiếm trên 75% tổng số vụ TNGT đường bộ. Nhiều địa phương, tỷ lệ này thậm chí còn cao tới mức tuyệt đối từ 90 - 100%.

Mặc dù là phương tiện thiết yếu đối với sinh hoạt của người dân, nhưng trong điều kiện thành phố chưa phát triển tốt được giao thông công cộng, thì người dân buộc phải đi xe máy. Vì vậy, muốn tổ chức giao thông công cộng tốt, thì trước tiên phải hạn chế xe máy, đường thông thoáng thì vận tải hành khách công cộng mới có điều kiện phát triển.

Nguyên Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Quang

Vụ tai nạn xe máy đi ngược chiều đâm xe máy xuôi chiều, gây tai nạn nghiêm trọng trên đường Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) hồi tháng 7/2014 mới đây, khiến hai người tử vong tại chỗ, hai người bị thương nặng, đã thật sự gióng hồi chuông báo động tới các cơ quan quản lý giao thông của Hà Nội.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Ủy ban ATGT Quốc gia lại chọn xe máy làm đối tượng chính để tập trung tuyên truyền và xử lý trong trong các đợt ra quân đảm bảo ATGT gần đây. Hầu như tất cả những mục tiêu trọng tâm tuyên truyền, giáo dục, cưỡng chế… đều tập trung vào xe máy như: Đội mũ bảo hiểm cho người đi xe máy trên những đoạn đường bắt buộc; không điều khiển xe máy khi đã sử dụng rượu, bia, chất kích thích; không có giấy phép lái xe không được điều khiển xe máy; đi xe máy đúng làn đường, không chở quá số người quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm tốc độ…

Trao đổi với phóng viên, một du khách người Úc, đã từng nhiều lần đến Việt Nam cũng cho rằng, dường như xe máy tại các đô thị của Việt Nam đang gánh nhiều trọng trách. Theo du khách này, xe máy đã và đang vận hành nền kinh tế. Người dân đi lại, các ông bố bà mẹ đưa con đến trường, hàng hóa lưu thông từ nhà máy đến tay người tiêu dùng… tất cả đều bằng xe máy.

Những hệ lụy khôn lường

Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trịnh Hồng Sơn cho biết: Mỗi năm bệnh viện mổ cấp cứu cho khoảng 40.000 bệnh nhân, trong đó 70% là nạn nhân bị TNGT do va chạm xe máy. Hậu quả để lại không chỉ là nỗi đau lâu dài, âm ỉ, mất mát cho từng gia đình, mà là gánh nặng cho cả xã hội.

Thiệt hại do xe máy gây ra không chỉ dừng lại về TNGT, số người chết, mà những thiệt hại về sức khỏe và kinh tế cũng hết sức nghiêm trọng. Thống kê ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh 3 năm qua, mức thiệt hại do kẹt xe, khói bụi ô nhiễm lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Tuyến ở thôn Quế Sơn, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có chồng là anh Lê Bá Khước đã tử vong trong một lần tai nạn xe máy vào cuối năm 2012. Anh Khước ra đi, để lại vợ cùng 2 con nhỏ, trong đó một cháu bị câm điếc từ nhỏ. Chị Tuyến tâm sự, ngày còn sống anh Khước là trụ cột của gia đình, tiền anh đi làm thuê cũng đủ để lo toan cho gia đình. Từ ngày anh mất, một mình chị loay hoay chạy chợ để kiếm tiền, vừa nuôi con vừa nuôi mẹ già 83 tuổi, nhưng làm cật lực cũng không đủ sống. Cảnh nhà đã khó lại càng thêm khó…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Xe máy như “chiếc neo” đang gián tiếp gây ra nhiều hậu quả và bài toán áp lực giao thông sẽ không có lời giải nếu xe máy còn là phương tiện thống trị. Đơn cử, từ sự “tiện” của xe máy, bất kỳ ai cũng có thể dừng ngay giữa ngã tư để mua vài kg hoa quả, vài mớ rau… và như vậy đã hình thành một chợ cóc, với chất lượng an toàn thực phẩm khó kiểm soát. Điều này kéo theo những hệ lụy, như xã hội sẽ phải giải quyết các bài toán khác về an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng… Ngược lại, khi mọi người sử dụng xe buýt, ô tô… xã hội, mọi người sẽ hoạt động theo môi trường chuyên nghiệp hóa từ khâu dừng đỗ xe, mua bán hàng hóa đến khâu chăm sóc khách hàng.

Vì vậy, dư luận đang rất quan tâm đến lộ trình hạn chế xe máy. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng lộ trình hạn chế xe máy một cách rõ ràng, chứ không thể “loay hoay” thực hiện các giải pháp tình thế và đơn lẻ, nhằm hướng đến xã hội trong lành và an toàn hơn.

Tiến Hiếu

Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 1
Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 1

Số lượng xe máy được sử dụng trong cả nước hiện đã xấp xỉ 39 triệu chiếc, vượt chỉ tiêu sử dụng xe máy đến 2020 gần 3 triệu chiếc. Nếu không có lộ trình hạn chế ngay từ bây giờ, xe máy sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN