Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 3

Chủ trương, lộ trình hạn chế xe máy tại các thành phố lớn được được dư luận thời gian qua đặc biệt quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng (ảnh).

Xe máy gia tăng nhanh là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông đô thị và được nhiều người gọi là "thảm họa" giao thông. Vậy, vì sao chủ trương cấm xe máy vẫn chưa thể tiến hành, thưa ông?


Việc xây dựng các chính sách quản lý phương tiện cơ giới cá nhân nói chung và xe máy nói riêng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành, địa phương quan tâm nghiên cứu và đã áp dụng từng bước, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng xe máy hiện tại đang phục vụ hơn 85% nhu cầu đi lại của nhân dân các thành phố lớn cũng như các vùng nông thôn. Vì vậy, việc quản lý và kiểm soát sử dụng xe máy cần phải được xây dựng và triển khai song song với quá trình hoàn thiện năng lực và chất lượng của dịch vụ vận tải công cộng; đặc biệt là phù hợp với cấu trúc sử dụng đất của khu vực mà ta định quản lý.


Theo ông, việc cấm xe máy ở các đô thị đã thực sự cần thiết chưa? Thời điểm nào và giải pháp nào để việc cấm xe máy ở đô thị có hiệu quả?

Chắc chắn phải thực hiện lộ trình hạn chế xe máy. Việc quản lý và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, bao gồm xe máy đã được thực hiện ở nước ta và tại các đô thị lớn từ nhiều năm nay. Để có thể quản lý, kiểm soát sử dụng xe cơ giới cá nhân có hiệu quả, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu và xây dựng đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở các đô thị, nhằm đưa ra các giải pháp kết hợp hài hòa giữa nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng với quản lý, kiểm soát, sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, để kéo giảm tai nạn và ùn tắc.

Trong đề án này, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành phố lập dự án quản lý và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kết hợp tăng cường vận tải hành khách công cộng trong các khu vực trung tâm và trên các tuyến giao thông có mật độ cao. Các dự án này sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2015.

Trong các khu vực đô thị có mật độ cao, với cự ly đi lại ngắn, ở Hà Nội khoảng 40% số chuyến đi có cự ly dưới 2 km, cần phải phát triển và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp và đi bộ, còn phương tiện vận tải hành khách công cộng thì dành cho các chuyến đi có cự ly dài hơn. Như thế sẽ giúp giảm được số chuyến đi mà người dân buộc phải sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kể cả xe máy. Đây là tinh thần chính trong các nhóm giải pháp của Đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các đô thị lớn.


Ông đánh giá chất lượng của các phương tiện giao thông công cộng hiện nay thế nào? Xe máy có phải là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn với phương tiện công cộng?

Hiện nay, nếu tính số vụ tai nạn trên con số 10.000 chuyến đi của hành khách thời gian qua, thì xe buýt được xem như là phương thức an toàn nhất trong hệ thống giao thông công cộng ở nước ta. Tuy nhiên, do yêu cầu của xã hội đối với xe buýt rất cao, nên mỗi khi xảy ra tai nạn đối với xe buýt thì thường gây ra lo ngại lớn đối với dư luận xã hội. Cũng có một số vụ tai nạn giao thông giữa xe máy với xe buýt mà do người đi xe máy gây nên. Song đó là do hành vi của người lái, chứ không phải của bản thân cái xe máy.


Xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu của đại đa số người dân có mức thu nhập trung bình, trong khi vận tải công cộng ở các đô thị chưa hoàn chỉnh, còn nhiều bất cập. Vậy, nếu cấm xe máy, người dân sẽ đi bằng gì, thưa ông?

Tinh thần chủ đạo của đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các đô thị lớn là đảm bảo sự phát triển hài hòa, hợp lý của các phương tiện vận tải đô thị, giúp người dân có những lựa chọn phù hợp nhất với chuyến đi của mình, an toàn nhất và thuận tiện nhất. Hình thức vận tải, vận chuyển, di chuyển nào mà người dân thấy hữu ích thì Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất. Còn hình thức nào mà người dân buộc phải sử dụng như phương tiện cơ giới cá nhân, kể cả xe máy, thì Nhà nước cũng phải đảm bảo để người dân được tham gia giao thông an toàn hơn.

Các thành phố như Quảng Châu, Singapore, Seoul, Zurich… được xem là thành công trong phát triển và quản lý giao thông đô thị đều áp dụng thành công song hành hai nhóm giải pháp: Một là tăng cường năng lực và chất lượng dich vụ vận tải hành khách công cộng. Hai là quản lý và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Điều kiện nước ta cũng không ngoại lệ, phải thực hiện và áp dụng đồng thời hai giải pháp này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Tiến Hiếu (thực hiện)

Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 2: Hệ lụy từ xe máy
Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 2: Hệ lụy từ xe máy

Vượt ngưỡng cho phép xe máy đang gây ra nhiều hệ lụy: Ùn tắc, ô nhiễm, tai nạn giao thông, phá vỡ trật tự đô thị…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN