Bộ Tài chính đề nghị, các ác bộ ngành, địa phương sử dụng vốn đầu tư công cần chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2019 kéo sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương phải có chế tài nghiêm khắc các chủ đầu tư, chủ dự án, tố chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Theo Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 6, có tới 34 bộ ngành và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp dưới 20%; trong đó, có 10 bộ ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.
Bộ Tài chính cũng cho biết, có tới 4 cơ quan trung ương có tỉ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0% hay nói cách khác là chưa tiêu được đồng vốn đầu tư công nào, gồm: Văn phòng Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước.
Trong số đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hoàn trả ngân sách nhà nước 1,6 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, một số bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân dưới 15% là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hành chính sách xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Y tế… Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thanh toán được 74,8 tỷ đồng trong tổng số 1.108 tỷ đồng được giao.
Bên cạnh đó, đã có 9 bộ ngành và 37 địa phương có số giải ngân đạt trên 30% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với tỉ lệ 100%, Hội Nhà văn 93,59%, tỉnh Hưng Yên 62%, Ngân hàng Phát triển 61%, Bộ Nội vụ 55,48%, tỉnh Ninh Bình 66,6%...
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 thấp là do phân bổ vốn chậm, đã hết 6 tháng của năm 2020 nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch năm 2020. Ngoài ra là các nguyên nhân về giải phóng mặt bằng, tái định cơ vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù.
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, nguồn vốn ODA không được bố trí phù hơp với tiến độ triển khai, những năm đầu kỳ trung hạn được giao kế hoạch vào không đủ với nhu cầu thực hiện, dồn vào những năm sau tạo áp lực giải ngân rất lớn vào những năm cuối.