Cận cảnh cầu Vàm Cống trước ngày khai thác

Sau 16 tháng khắc phục sự cố nứt dầm ngang CB6 tại vị trí trụ neo P29, ngày 19/5, cầu Vàm Cống (thuộc địa phận huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) sẽ được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khánh thành, đưa vào khai thác.

Video cận cảnh dầm CB6 tại trụ neo P29 đã được hoàn thiện thay thế và sơn phủ bên ngoài.

Dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, có tổng vốn đầu tư 271 triệu USD (tương đương 5.700 tỷ đồng), được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án gồm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97 km và đường dẫn dài 5,88 km. Cầu Vàm Cống là cầu dây văng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long có cấu trúc dầm thép CB6 lần đầu áp dụng tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Cầu Vàm Cống nhìn từ phía huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).

Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m. Trụ tháp hình chữ H cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m, thiết kế 4 làn xe ô tô (4 x 3,5 m) và hai làn xe thô sơ (2 x 3 m); đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6 m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Chú thích ảnh
Các nhà thầu đang khẩn trương tháo dỡ các trụ tháp tại cầu Vàm Cống trước ngày khánh thành.
 

 

Chú thích ảnh
Cầu Vàm Cống nhìn từ trên cao.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM – Bộ GTVT) cho biết, cầu Vàm Cống hiện đã hoàn thành thay thế dầm CB6 tại trụ P28, trụ P29 và sơn phủ bên ngoài, cân chỉnh cáp dây văng, sơn dải phân cách mặt cầu, vạch sơn, lắp đặt biển báo, hệ thống điện chiếu sáng...

Chú thích ảnh
Hệ thống dây văng của cầu Vàm Cống hiện đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

 

Chú thích ảnh
Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m. Trụ tháp cao 143,9 m. 
 

Sự cố nứt dầm ngang trên trụ neo CB6 cầu Vàm Cống theo báo cáo của hai đơn vị kiểm định, đánh giá độc lập là Viện Khoa học công nghệ GTVT và Tư vấn quốc tế ARUP (do Nhà tài trợ ADB huy động), là do 3 nguyên nhân: Ứng suất tập trung, ứng suất dư và chất lượng thi công đường hàn tại công trường khi tổ hợp, lắp ráp dầm ngang CB6 gây ra.

Chú thích ảnh
Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m, thiết kế 4 làn xe ô tô và hai làn xe thô sơ. Đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6 m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 Km/giờ.

 

Chú thích ảnh
Hệ thống đèn chiếu sáng đồng bộ sẽ tạo điểm nhấn vào ban đêm.

Ông Trần Văn Thi cũng cho hay, các kết quả kiểm tra, thí nghiệm chất lượng vật liệu, thiết bị được thực hiện trong quá trình xây dựng và báo cáo của tư vấn giám sát đều đạt yêu cầu so với thiết kế. Kết quả kiểm định của tư vấn kiểm định - thử tải của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và của tư vấn quốc tế độc lập ARUP cũng khẳng định công trình cầu Vàm Cống đủ khả năng chịu lực, chất lượng công trình đạt yêu cầu so với thiết kế. Sau khi khắc phục, gia cố, kiểm tải, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng khẳng định, cầu Vàm Cống đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng đưa vào khai thác.

Chú thích ảnh
Cầu Vàm Cống nhìn từ xa.

 

Chú thích ảnh
Đây cũng là cầu dây văng dầm thép có nhịp dài, hiện đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Còn theo ông Nguyễn Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định (Bộ Xây dựng), quá trình thi công, khắc phục sự cố, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức 16 đợt kiểm tra từ tháng 3/2015 đến nay. Trong đó, có kiểm tra hồ sơ pháp lý theo quy định, điều kiện năng lực, hồ sơ nghiệm thu, chất lượng thi công xây dựng tại hiện trường. Cơ quan thường trực Hội đồng đánh giá hồ sơ dự án đã được chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn… tập hợp đầy đủ danh mục theo quy định. Thông qua kết quả kiểm định của tư vấn kiểm định và qua sự cố nứt dầm ngang CB6, các đánh giá của các đơn vị tư vấn về việc sửa chữa dầm CB6 và thử tải, rà soát chất lượng thi công đều được chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn chịu lực, cũng như tuổi thọ của công trình.

Cầu Vàm Cống đưa vào khai thác, nối với tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài trên 50 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2020 và cầu Cao Lãnh (khai thác từ tháng 5/2018) hình thành trục dọc phía Tây của khu vực đồng bằng sông Cửu Long - tuyến kết nối giao thương với vùng Đông Nam Bộ, tạo điều kiện cho người dân các tỉnh, thành phố An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ phát triển giao thương với TP Hồ Chí Minh một cách nhanh nhất. Đồng thời, có vai trò đấu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với cả nước, giúp giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A thường xuyên tắc nghẽn vào các dịp lễ, Tết.

Bài, ảnh, video: Sơn - Hùng/Báo Tin tức
Cần Thơ đề xuất giữ lại bến phà sau khi thông xe cầu Vàm Cống
Cần Thơ đề xuất giữ lại bến phà sau khi thông xe cầu Vàm Cống

Tại buổi khảo sát địa điểm tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống ngày 14/5, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết sẽ đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải giữ lại bến phà Vàm Cống sau khi cầu Vàm Cống thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được tốt hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN