Cần 82.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025

Theo số liệu tập hợp của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho nhà ở công nhân khu công nghiệp trên toàn quốc là 163.500 căn với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
 Khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Tính đến thời điểm này, số lượng các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp đang triển khai thực hiện là 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ có  tổng mức đầu tư ước tính 67.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng nhận định, thời gian vừa qua, đặc biệt là từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy, các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động.

Nặng nề nhất là tại các tỉnh phía Nam; trong đó, có TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... là những địa phương có nhiều khu công nghiệp và chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ của người dân cũng như kinh tế...

Mặt khác, do những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh đã gây nhiều khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm của người lao động. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cấp thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, ngày 14/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương; trong đó, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan đề xuất giải pháp phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong số này, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho một số đối tượng vay như: công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Để hỗ trợ người lao động, Bộ Xây dựng đề xuất, giá cho thuê đối với các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê do UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt căn cứ đề nghị của chủ đầu tư theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của nhà nước vào giá thuê và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa bằng 10% tổng vốn đầu tư xây dựng với thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm.

Đối với dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê, chủ đầu tư đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê được vay nếu đáp ứng các điều kiện như: đã có quyết định chủ trương đầu tư, có đất sạch, được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng.

Bộ Xây dựng đề xuất, công nhân khu công nghiệp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội cũng cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trường hợp thuê nhà ở, thuê nhà lưu trú thì chỉ cần có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp.

Còn trường hợp mua, thuê mua nhà ở thì phải đáp ứng đủ các điều kiện về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội hiện hành. Những trường hợp công nhân có thời gian làm việc từ 4 năm trở lên tại khu công nghiệp thì không phải đáp ứng điều kiện về thu nhập.

Về phía các địa phương, Bộ Xây dựng đề xuất việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, các địa phương cần rà soát việc sử dụng quỹ đất các khu công nghiệp hiện hữu để quy hoạch, bố trí quỹ đất dành đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Cùng đó, rà soát, bổ sung các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê vào trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm của địa phương; có cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, việc bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động cũng cần được chú trọng.

Thu Hằng (TTXVN)
Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Ngày 28/10, Bộ Xây dựng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.                

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN