Tham dự có 15 đại sứ của Việt Nam tại nước ngoài; cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, đại diện các tỉnh, thành và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với Bộ Ngoại giao và Trưởng đại diện các cơ quan nước ngoài cần chú trọng các lĩnh vực thu hút đầu tư về công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản, hàng tiêu dùng...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, cho biết với phương châm “ngoại giao lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Theo đó, các đại sứ có kế hoạch hỗ trợ cụ thể đối với các mong muốn của các địa phương, doanh nghiệp và quan tâm kết nối ngay khi có những đối tác, cơ hội phù hợp để giúp địa phương và doanh nghiệp có thêm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư phát triển về kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững.
Theo thông tin được các tỉnh, thành cho hay, các địa phương phía Nam gồm có 6 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Đông Nam bộ và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích khoảng 64.000km2 (chiếm 20,3% diện tích cả nước).
Tính đến ngày 20/2, các tỉnh phía nam đã thu hút được 19.305 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 193 tỷ USD (chiếm 46% tổng vốn FDI cả nước).
Trong số đó, vùng Đông Nam bộ là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vừa qua, vùng Đông Nam Bộ quyết tâm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Với thế mạnh về nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến thủy hải sản, đây là vựa lúa của cả nước, giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đóng góp hơn 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản và 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương có mối quan hệ ngoại giao với 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là điều kiện tốt để xây dựng các đầu mối xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác đầu tư.
Nhờ mối quan hệ liên kết vùng và kết nối quốc tế, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành phố thuộc TOP đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện tỉnh đang đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI với 4.092 dự án, tổng số vốn gần 40 tỷ USD.
Trong năm qua, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,01%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,5 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt gần 10 tỷ USD.
“Trong quá trình phát triển, Bình Dương luôn xác định đối ngoại có vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Bình Dương trong những năm qua có phần đóng góp rất lớn của đối ngoại”, ông Nguyễn Văn Dành cho biết.