Vào lúc 15 giờ 29 phút theo giờ việt Nam, giá vàng kỳ hạn giảm 0,3% xuống 2.135,30 USD/thùng. Trước đó, trong phiên 5/3, giá vàng giao ngay đã chạm mức cao kỷ lục 2.141,59 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng thứ năm liên tiếp.
Ông Ajay Kedia, Giám đốc công ty Kedia Commodities, cho rằng sự khởi sắc của vàng là nhờ yếu tố tâm lý, vốn được thúc đẩy khi số liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ trong tuần trước đã làm tăng khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng Sáu.
Thị trường đang chờ đợi phiên điều trần về chính sách tiền tệ trước Quốc hội của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 6-7/3 và số liệu việc làm của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 8/3. Bình luận của ông Powell và số liệu việc làm có thể cung cấp manh mối về đường hướng lãi suất của Mỹ. Giới giao dịch đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Sáu là 57%.
Giá dầu phục hồi nhờ nguồn cung thắt chặt
Giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên chiều 6/3, khi những dấu hiệu nguồn cung thắt chặt đã lấn át những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu tại Trung Quốc và Mỹ, hai nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.
Vào lúc 14 giờ 45 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 27 xu Mỹ lên 82,31 USD/thùng sau khi giảm trong bốn phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 36 xu Mỹ lên 78,51 USD/thùng, sau khi giảm suốt hai phiên trước.
Mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024 mà Trung Quốc đặt ra ngày 5/3 thiếu các kế hoạch kích thích mạnh mẽ, từ đó làm tăng những lo ngại rằng nhu cầu tại nước này có thể tăng chậm trong năm nay.
Thị trường đang chờ đợi phiên điều trần về chính sách tiền tệ trước Quốc hội của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày 6-7/3 và số liệu việc làm của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 8/3. Bình luật của ông Powell và số liệu việc làm có thể cung cấp manh mối về đường hướng lãi suất của Mỹ, và dấu hiệu Fed hạ lãi suất được xem là tích cực cho nền kinh tế và nhu cầu dầu.
Giá dầu đang được hỗ trợ bới thống báo gia hạn các mức cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hồi cuối tuần qua. Động thái này đã khiến nguồn cung phần nào thắt chặt hơn, nhất là tại châu Á, cùng với sự gián đoạn trong hoạt động vận chuyển dầu do bất ổn ở Biển Đỏ.
Chứng khoán châu Á trái chiều sau phiên tồi tệ nhất ba tuần qua trên Phố Wall
Các thị trường chứng khoán biến động trái chiều trong phiên chiều 6/3, sau khi sự trượt dốc của giá cổ phiếu các công ty công nghệ lớn đã kéo tụt Phố Wall trong phiên giao dịch tệ nhất ba tuần qua.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản gần như đi ngang ở mức 40.090,78 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,4% lên 16.385,90 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2% xuống 3.040,82 điểm. Kỳ họp Quốc hội thường niên ngày 6/3 của Trung Quốc có thể sẽ cung cấp thêm thông tin về kế hoạch của chính phủ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, phiên 5/3, chỉ số S&P 500 tại Mỹ đã giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi khép lại tuần trước ở mức cao nhất từ trước đến nay. Hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng giảm mạnh.
Bitcoin đã có thời điểm tăng vượt mức 69.000 USD trong phiên 6/3, phá vỡ mức cao kỷ lục ghi nhận năm 2021, trước khi giảm trở lại dưới 63.000 USD.
Những kỳ vọng về khả năng hạ lãi suất tại Mỹ đã có thêm động lực sau một báo cáo cho thấy đà tăng trong các ngành xây dựng, chăm sóc sức khỏe và các ngành dịch vụ khác đã giảm tốc nhiều hơn dự đoán trong tháng Hai.
Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index giảm 7,25 điểm, hay 0,57%, xuống 1.262,73 điểm, còn chỉ số HNX-Index để mất 1,9 điểm, hay 0,8% xuống 235,45 điểm.