Cũng theo ông Trần Hoài Phương, các sân bay khác tại khu vực phía Bắc như Cát Bi, Vân Đồn… đều khai thác tốt. Chỉ riêng có một chuyến bay từ sân bay Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) về sân bay Vinh (Nghệ An) cuối buổi sáng 19/2 phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Nội Bài.
Lý giải về chuyến bay từ sân bay Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) về sân bay Vinh phải hạ cánh tại Nội Bài, ông Trần Hoài Phương cho hay, mặc dù sáng nay tại sân bay Vinh tầm nhìn hoàn toàn bình thường nhưng do gió to không đảm bảo việc hạ cánh nên chuyến bay này bắt buộc phải chuyển hướng.
Cũng theo ông Trần Hoài Phương, việc khai thác các chuyến bay phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nhiều khi thời tiết dưới mặt đất quan sát rất đẹp nhưng trên không trung lại gió to cũng sẽ ảnh hưởng đến việc cất, hạ cánh các chuyến bay.
Một chuyên gia hàng không đánh giá, việc cất hạ cánh các chuyến bay nhiều lúc bị ảnh hưởng bởi tầm nhìn do sương mù. Tuy nhiên ngoài sương mù thì cũng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ gió.
“Cần phải nói rằng, sương mù, mây thấp là tình trạng thời tiết nguy hiểm với ngành hàng không. Hiện tượng này thường xảy ra vào mùa đông ở miền Bắc vừa làm ảnh hưởng hành khách lẫn hãng hàng không”, vị chuyên gia này thông tin.
Đại diện một hãng hàng không chia sẻ, nhiều khi hành khách ở các sân bay phía Nam thấy thời tiết chỗ mình vẫn tốt và thấy máy bay từ Hà Nội bay vào. Vì vậy nhiều hành khách nghĩ các hãng hàng không đưa ra lý giải chậm, hủy chuyến do thời tiết sân bay đến xấu. Nhưng thực tế, lúc đấy các sân bay miền Bắc bị ảnh hưởng thời tiết xấu chỉ có thể cất cánh chứ không đủ điều kiện hạ cánh.
Trước đó, trong ngày 17/2, sương mù bao phủ nhiều nơi ở miền Bắc khiến nhiều sân bay không tiếp nhận được máy bay hạ cánh. Tại sân bay Nội Bài tầm nhìn chỉ đạt từ 700 đến 800m, trần mây từ 50m - 60m, gió đông bắc tốc độ từ 1 đến 2m/giây. Trần mây quá thấp, dưới tiêu chuẩn an toàn, chỉ cho phép máy bay cất cánh từ sân bay Nội Bài chứ không thể tiếp nhận máy bay hạ cánh.