Ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản, cho biết các nhà đàm phán muốn thảo luận về cách vận hành hiệp định cũng chính sách cơ bản về việc chấp nhận các thành viên trong tương lai sau khi hiệp định có hiệu lực. Ông cũng kỳ vọng các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục để sức ảnh hưởng của hiệp định này sẽ bao trùm nhiều khu vực hơn trên thế giới.
CPTPP, tên cũ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chiếm tới 13% nền kinh tế toàn cầu, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2018. Hồi tháng 1/2017, Mỹ đã rút khỏi hiệp định TPP sau khi Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích hiệp định này sẽ đe dọa việc làm của người dân Mỹ.
Hiệp định này sẽ cắt giảm thuế đối với sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp và công nghiệp, giảm bớt các hạn chế đầu tư và tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong số 11 nước thành viên CPTPP, bảy quốc gia đã phê chuẩn hiệp định, với Việt Nam là nước mới nhất vừa hoàn thành các thủ tục thông qua CPTPP.
Trước Việt Nam, các quốc gia gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore cũng đã phê chuẩn CPTPP. Các thành viên khác chưa hoàn thành thủ tục thông qua hiệp định này gồm Brunei, Chile, Malaysia và Peru.
Vương quốc Anh - vốn không phải là một nước thành viên của CPTPP - cũng bày tỏ mong muốn tham gia hiệp định này trong bối cảnh quốc gia này sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3/2019.