Theo tổ chức trên, trong cuộc đua để vượt qua các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, vốn khá chật vật trong năm qua, sẽ vượt qua các đối thủ một cách chậm hơn so với dự kiến.
CEBR đánh giá Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới vào năm 2032, muộn hơn hai năm so với kế hoạch, do chính sách tiền tệ nới lỏng và tỷ giá hối đoái thấp hơn trước. Brazil được kỳ vọng sẽ vượt qua Italy vào năm 2020 chứ không phải năm 2018.
Ấn Độ sẽ vượt qua Anh và Pháp có thể vào năm 2019 hoặc 2020, thay vì vào năm 2018 như đã được dự đoán trước đó. Trong khi đó, Anh có thể sẽ mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 về tay Pháp vào năm 2019 do các vấn đề liên quan đến Brexit, nhưng sẽ lấy lại vị trí này vào năm 2023.
CEBR cũng dự báo Ireland sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm này, nhưng cũng chỉ ra rằng tiến trình Brexit sẽ là một nguy cơ lớn đe dọa dự báo này.
CEBR cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2018 đã trì trệ hơn so với triển vọng của năm trước đó. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã tác động mạnh tới các thị trường thế giới, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Mức tăng trưởng của thương mại toàn cầu có thể đạt 2,99% trong năm 2018, giảm so với mức tăng trưởng của năm trước đó. Dự đoán tương lai của 193 quốc gia và vùng lãnh thổ đến năm 2033 cho thấy trong trung hạn, con đường tăng trưởng sẽ gập ghềnh hơn so với dự báo trước đó.
Trong khi đó, cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của hãng tin Reuters hồi cuối tháng 10/2018 cho thấy dấu hiệu suy giảm lần đầu tiên của triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Theo CEBR, "với mức nợ cao và nhiều vấn đề về cơ cấu gây ra đại suy thoái vẫn còn tồn tại, một sự suy thoái toàn cầu có thể sẽ khó giải quyết hơn so với trước".
Ông Douglas McWilliams, Phó Chủ tịch CERB, dự báo thâm hụt tài chính trung bình của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ là 5% vào năm 2020, cao hơn dự đoán 3,2% mà OECD đưa ra trước đó. Ông nhấn mạnh: "Mức chi tiêu 5% có một chút mạo hiểm, nhưng các nền kinh tế phát triển đang có vị thế tốt hơn để đối mặt rủi ro chứ không phải các nước đang phát triển".