Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ống thép ở Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo hãng tin Anh Reuters, trong tuyên bố ngày 9/3, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ phản đối quyết định nêu trên của Mỹ, đồng thời cho biết sẽ đánh giá các thiệt hại và "kiên quyết bảo vệ những lợi ích và quyền lợi hợp pháp" của nước này. Bộ trên cảnh báo mức áp thuế mới sẽ "tác động nghiêm trọng tới trật tự thương mại quốc tế thông thường".
Các hiệp hội thép và kim loại của Trung Quốc cũng đã kêu gọi chính phủ nước này đưa ra các biện pháp đáp trả nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như thép không gỉ, than đá, nông sản và đồ điện tử.
Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, song tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất thép của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - cung cấp tới 50% sản lượng thép toàn cầu - đã góp phần gây ra tình trạng dư cung trên toàn cầu khiến giá cả mặt hàng kim loại này giảm.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại Hàn Quốc cho rằng mức áp thuế cao hơn đối với thép và nhôm sẽ khiến chi phí sản xuất của 2 hãng sản xuất ôtô Hyundai và Kia tăng, gây bất lợi cho các nhà sản xuất Hàn Quốc trước các đối thủ từ Mỹ. Quan chức trên còn cảnh báo việc Mỹ nâng mức áp thuế sẽ tác động tới tiến trình tái đàm phán thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn đang diễn ra. Chính phủ Hàn Quốc cũng để ngỏ khả năng đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiện Hàn Quốc cùng với Nhật Bản và Australia đang tìm kiếm sự miễn trừ trong chính sách nâng mức áp thuế của Mỹ đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Trong đó, Australia tỏ ra khá lạc quan về khả năng được miễn trừ trong kế hoạch này của Mỹ.
Phát biểu họp báo tại thủ đô Sydney, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã bác khả năng các sản phẩm thép của nước này bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ. Australia chủ yếu xuất khẩu quặng sắt và chỉ xuất khẩu rất ít thép, và Mỹ không phải là bạn hàng lớn của quốc gia châu Đại Dương này.
Theo sắc lệnh được Tổng thống Trump ký ngày 8/3, Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới. Mexico và Canada được miễn trừ chính sách này. Quyết định của Mỹ ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối ngay trong chính giới Mỹ cũng như nhiều nước và tổ chức trên thế giới như Canada, Brazil, Pháp, Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).