Cà phê Việt vào chuỗi thương hiệu - Bài cuối: Nhượng quyền thương hiệu

Các chuỗi cửa hàng, quán cà phê đã xây dựng thành công thương hiệu, nhưng vấn đề đặt ra cho bước tiếp theo là bài toán thúc đẩy hệ thống chuỗi cửa hàng cả về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, nhiều đơn vị kinh doanh ngành hàng cà phê đã mở rộng thêm mô hình nhượng quyền thương hiệu và điều này thúc đẩy tốc độ phát triển của chuỗi cửa hàng, quán cà phê tại thị trường Việt Nam.

Chú thích ảnh
Người dân tham gia uống thử cà phê trong Lễ hội Cà phê Big C tại siêu thị Big C Nha Trang, ngày 26/4/2019. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Cơ hội khởi nghiệp kinh doanh

Theo một số chuyên gia, trước thực trạng chuỗi cửa hàng, quán cà phê mọc lên như nấm ở nhiều địa phương thì việc tham gia vào ngành hàng này vẫn còn cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, nhất là đối với "người mới". Để kinh doanh thành công, những người mới tham gia vào ngành hàng cà phê có thể lựa chọn mô hình nhượng quyền thương hiệu đã được nhiều người biết đến, xây dựng được hệ thống chuỗi cửa hàng, quán cà phê với một mạng lưới rộng lớn và đảm bảo khả năng đạt lợi nhuận cao. 

Khi khởi nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng, quán cà phê thông qua phương thức nhượng quyền thương hiệu, người kinh doanh không cần phải phát triển kế hoạch kinh doanh hay xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Việc nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng, quán cà phê là một trong những mô hình kinh doanh nhanh nhất để người khởi nghiệp có thể trở thành chủ thành công. Đặc biệt, các chuỗi cửa hàng, quán cà phê này đã và đang có thương hiệu nên còn sở hữu sẵn một lượng khách hàng lớn, trung thành và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường.

Thống kê trên thị trường, tùy vào thương hiệu mà những chuỗi cửa hàng, quán cà phê có mức chi phí nhượng quyền khác nhau. Trong đó, có thể đến những thương hiệu ngoại như The Coffee Bean and Tea Leaf, Highlands Coffee; còn một số thương hiệu thuần Việt, gồm: Viva Star Coffee, Milano Coffee, Cộng cà phê, Passio Coffee...

Đại diện một cửa hàng Passio Coffee cho rằng, Passio Coffee là thương hiệu cà phê Việt đi tiên phong trong việc bắt kịp xu hướng cà phê "take-away" (tạm dịch: mang đi). Từ năm 2006, Passio Coffee khởi nghiệp hệ thống chuỗi cửa hàng với một quán cà phê đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và đến nay Passio Coffee đã phát triển rộng khắp nhiều tỉnh, thành cả nước.

Tương tự, Milano Coffee ra đời vào năm 2011 và đến nay đã có hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc với doanh thu khoảng 40 triệu đồng/tháng. Tại Milano Coffee, thực đơn có giá cả bình dân từ 15.000 - 25.000 đồng, không gian quán đơn giản, tương đồng với kiểu cà phê cóc truyền thống của người Việt Nam nên việc sở hữu thương hiệu này chỉ cần đầu tư khoảng 100 triệu đồng chi phí ban đầu.

Chị Mỹ Chi, cư ngụ tại quận Bình Tân cho biết, từ một nhân viên công sở chuyển sang khởi nghiệp với mô hình kinh doanh nhượng quyền chuỗi cửa hàng, quán cà phê đã được thương hiệu nhượng quyền hỗ trợ rất nhiều. Điển hình, với một khoảng chi phí đầu tư ban đầu, nếu tự phát triển mô hình kinh doanh riêng thì người khởi nghiệp phải tự làm từ  "A-Z". Tuy nhiên, nếu nhượng quyền thương hiệu thì mô hình kinh doanh đã có sẵn và thương hiệu đã có lượng khách hàng nhất định.

Đồng quan điểm, chị Ái Vân, cư ngụ tại huyện Bình Chánh cũng cho hay, khi nhượng quyền thương hiệu với hình thức Franchise fee (một lần) thì đã bao gồm: phí mua nhượng quyền, bản vẽ thiết kế, hỗ trợ về hình ảnh, tuyển dụng và đào tạo nhân viên (không bao gồm lương nhân viên trong giai đoạn đào tạo), hỗ trợ truyền thông dịp khai trương, thủ tục hành chính phát sinh về phía công ty. Vì vậy, người khởi nghiệp kinh doanh hay đơn vị kinh doanh lần đầu tham gia vào ngành hàng cà phê có cơ hội bắt tay hoạt động kinh doanh và thâm nhập vào thị trường hiệu quả, cũng như thu về lợi nhuận nhanh hơn.

"Ngoài ra, kinh doanh quán cà phê như một con dao hai lưỡi, có thể đem lại lợi nhuận lớn nhưng cũng có thể không thành công như mong đợi. Do đó, một trong những vấn đề quan trọng mà đơn vị tham gia nhượng quyền thương hiệu cần quan tâm hàng đầu là các vấn đề pháp lý, vì mọi hoạt động kinh doanh đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Hơn nữa, khi thương vụ nhượng quyền thương hiệu đảm bảo tuân thủ pháp luật thì sẽ yên tâm để dồn tâm huyết vào việc kinh doanh hơn", chị Ái Vân cho chia sẻ thêm.

Cộng hưởng năng lực cạnh tranh

Ghi nhận ý kiến của một số đơn vị kinh doanh chuỗi cửa hàng, quán cà phê cho thấy, họ có xu hướng lựa chọn những thương hiệu thuần Việt hơn là ngoại nhập. Lý giải nguyên nhân dẫn đến điều này, đơn vị kinh doanh cho rằng, thương hiệu thuần Việt phổ biến mô hình kinh doanh phù hợp với văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt. Bên cạnh đó, giá trị nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng, quán cà phê thuần Việt rất cạnh tranh, mà nhiều đối tượng có thể đáp ứng được năng lực tài chính và quản lý mô hình kinh doanh.

Đơn cử, thương hiệu Trung Nguyên E-Coffee ngay từ ngày đầu ra đời đã công bố triển khai nhượng quyền thương hiệu có giá trị 0 đồng. Với chính sách này, Trung Nguyên E-Coffee mong muốn tăng tốc hiện thực hóa mục tiêu 3.000 cửa hàng trên 63 tỉnh thành vào năm 2020, trở thành hệ thống cửa hàng bán lẻ thế giới cà phê số 1. Đồng thời, Trung Nguyên E-Coffee giúp cà phê của hãng tiếp cận nhiều hơn với đối tượng khách hàng có mức thu nhập trung bình- thấp, vốn là đối tượng của các quán cà phê truyền thống nhỏ lẻ.

Mặt khác, mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng, quán cà phê thuần Việt lại không đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn như những thương hiệu ngoại. Cùng với đó, các vấn đề liên quan về lao động, vận hành... thì chuỗi cửa hàng, quán cà phê thuần Việt cũng tương đối linh hoạt hơn một số thương hiệu ngoại có quy định khắt khe với đối tác nhượng quyền thương hiệu. 

Chính những yếu tố kể trên đã giúp chuỗi cửa hàng, quán cà phê thuần Việt đang có phần thắng thế trên thị trường khi phân khúc khách hàng tầm trung và cao cấp ngày càng chật hẹp, thì nhóm bình dân, người có thu nhập thấp là khách hàng tiềm năng. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh kéo dài đang gây tâm lý bất an cho người dân, nên nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu để phòng rủi ro về tài chính.

Ở góc độ doanh nghiệp xây dựng nhượng quyền thương hiệu, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch công ty cổ phần Đồng Tâm cho hay, sau khi thử nghiệm trên rất nhiều mô hình, chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu mới tìm ra được mô hình kinh doanh hiệu quả của quầy bar di động khi chi phí đầu tư thấp từ 70 triệu, đặt đúng vị trí sẽ dễ dàng có doanh số trung bình 1 ngày ít nhất từ 800.000 - 1,2 triệu đồng. Nếu người lao động lấy công làm lời sẽ có thu nhập tốt, người tiêu dùng thì được uống cà phê thật thông qua mô hình kinh doanh nhượng quyền chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu.

Theo ông Võ Quốc Thắng, chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu có chính sách tài chính hỗ trợ khởi nghiệp và được đầu tư truyền thông bài bản để hướng mục tiêu sắp tới là 10.000 điểm bán. Vì vậy, đối tác nhượng quyền thương hiệu không cần lo lắng về nguồn nguyên liệu, công thức pha chế, thực đơn cho quán, lại có thể chia nhỏ ngân sách đầu tư theo giai đoạn khi hợp tác kinh doanh, cùng phát triển chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu.

Hơn thế nữa, cà phê tại chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu được chế biến, pha chế từ nguồn nguyên liệu đến từ nông trường CADA - vùng trồng cà phê nổi tiếng tại Đắk Lắk đã được người Pháp chọn lựa để trồng những cây cà phê robusta đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 1922. Toàn bộ nguồn nguyên liệu chất lượng do Công ty cổ phần NutiFood - một trong những đơn vị hợp tác phát triển thương hiệu Ông Bầu phụ trách.

Còn liên quan đến lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến từng chia sẻ, kinh doanh nhượng quyền là một trong những phương thức nhanh nhất giúp các thương hiệu mở rộng độ phủ mà không cần đầu tư quá nhiều thời gian, tài chính, vận hành. Tuy nhiên, để làm được điều này đơn vị tạo lập thương hiệu phải thực sự thành công, vì đây là mô hình win-win (hai bên cùng có lợi).

Song song đó, đối với mô hình kinh doanh nghiệp quyền thương hiệu, các đối tác cần tìm hiểu kỹ các loại chi phí và quyền lợi mà thương hiệu đưa ra bên cạnh thông tin về phí nhượng quyền. Đặc biệt, trước khi quyết định đầu tư, hãy tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, vai trò của hãng nhượng quyền cũng như nâng cao năng lực quản lý và vận hành.

Mỹ Phương (TTXVN)
Cà phê Việt vào chuỗi thương hiệu - Bài 2: Nhập cuộc của những 'ông lớn'
Cà phê Việt vào chuỗi thương hiệu - Bài 2: Nhập cuộc của những 'ông lớn'

Với tâm huyết góp phần đưa thị trường cà phê về đúng "bản chất" cà phê thật 100%, từng bước đánh bật những sản phẩm kém chất lượng, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang đầu tư phát triển ngành hàng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN