Cà Mau tái cơ cấu nông nghiệp - Bài 2: Những mối liên kết chặt chẽ

Muốn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công, các sản phẩm được người dân chuyển đổi sản xuất phải có đầu ra ổn định với giá trị cao. Đây là điểm mấu chốt của thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Chú thích ảnh
Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) đẩy mạnh dòng sản phẩm tôm chế biến từ tôm sinh thái của Cà Mau. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Trong những năm qua, bằng những mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cà Mau đã được thị trường trong nước và thế giới biết đến. Một trong những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh Cà Mau đã vươn ra thị trường thế giới, khẳng định thương hiệu vững chắc, chính là con tôm sinh thái, tôm hữu cơ.

Xuất phát từ lợi thế rừng ngập mặn, có thể kết hợp thả nuôi tôm dưới tán rừng với tỷ lệ 60% diện tích rừng, 40% diện tích thả tôm với mật độ thưa, thức ăn nuôi tôm từ tự nhiên… nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đã chung tay làm nên sự chuyển đổi tích cực này.

Qua khảo sát các nông dân nuôi tôm rừng, tôm sinh thái tại Cà Mau, có thể thấy nguồn thu nhập của các nông hộ nhận trồng rừng kết hợp nuôi tôm ngày càng tăng, đời sống ngày càng phát triển. Ông Vũ Thành Chung, ngụ tại huyện Ngọc Hiển chia sẻ, gia đình ông có 5 ha diện tích nuôi tôm sinh thái. Sau mỗi kì thu hoạch, toàn bộ tôm của gia đình ông được Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú thu mua. Sau khi trừ chi phí giống và công thu hoạch, gia đình thu lợi nhuận 200 triệu đồng/năm.

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn giúp hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản lượng thủy sản ổn định. Với cách sản xuất này, con tôm sinh thái đã tạo đà để vực dậy nền kinh tế của địa phương.

Đến nay, huyện đã phát triển được gần 10.000 ha nuôi sinh thái, tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn; trong đó, khu vực trọng điểm tập trung ở xã Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông… Thời gian tới, huyện Ngọc Hiển tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với toàn bộ diện tích này, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất.

Là một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú đã thực hiện liên kết với các hộ nuôi tôm sinh thái tại huyện Ngọc Hiển để đưa sản phẩm tôm sạch Cà Mau vươn xa. Theo đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú, hiện Minh Phú có vùng nguyên liệu tôm sinh thái 50.000 ha khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trong số đó, có 4.500 ha tôm sinh thái, sản lượng 2.500 tấn được chứng nhận BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất, của Tổ chức GAA, Mỹ), ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản châu Âu), và chứng nhận  MSC (Hội đồng quản lý biển, châu Âu). Riêng tại Cà Mau, Minh Phú liên kết với gần 100 hộ dân sản xuất tôm sinh thái, thuộc 35 tổ hợp tác tại huyện Ngọc Hiển, với diện tích 500 ha, dưới hình thức cổ đông của Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú.

Theo đó, sau mỗi chu kỳ thu hoạch tôm, Minh Phú sẽ thu mua với giá cao hơn thị trường từ 10% đến 15%. Trong thời gian tới, Minh Phú tiếp tục mở rộng diện tích hợp tác với người nuôi tôm sinh thái tại đây, lên 1.000 ha. Đây là bước khởi đầu tích cực, tạo động lực cho người nuôi tôm rừng, tôm sinh thái Cà Mau theo đuổi hướng phát triển mới.

Chú thích ảnh
Người dân xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau kiểm tra “sức khỏe” cánh đồng lúa hữu cơ. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Cùng với sự chuyển đổi cây trồng sang lúa hữu cơ, vật nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau cũng thực hiện nhiều chuyển đổi về loài vật nuôi trên cạn để thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chia sẻ

Theo đó, tỉnh Cà Mau đã thực hiện tập trung phát triển chăn nuôi các vật nuôi chủ lực như lợn và gia cầm theo hình thức gia trại, trang trại ở vùng sinh thái ngọt như huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và thành phố Cà Mau.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp tỉnh Cà Mau cũng khuyến khích nông dân nuôi các vật nuôi có khả năng thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn như dê, vịt biển, không phát triển các vật nuôi cần đồng cỏ như trâu, bò,… Vì trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thì đồng cỏ cần cho chăn nuôi gia súc ngày càng bị thu hẹp.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, để hoạt động chuyển đổi vật nuôi thực hiện thuận lợi, ngày 16/7/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-SNN về việc thỏa thuận hợp tác liên kết vùng kinh tế trọng điểm và xúc tiến tìm kiếm thị trường cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà mau. Mục đích chủ yếu của bản kế hoạch chính là thúc đẩy hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực khi thực hiện chuyển đổi của tỉnh.

Tính đến đến cuối tháng 10/2019, tổng đàn lợn của tỉnh đạt hơn 110.000 con, đàn gia cầm hơn 2,7 triệu con, đàn dê 7.500 con. Hai loại gia súc, gia cầm này đều phát triển mạnh hơn trước đây, do chính sách khuyến khích chuyển đổi vật nuôi của tỉnh đang đi đúng hướng. Trong khi đó, đàn trâu của tỉnh chỉ còn 180 con, đàn bò còn 450 con, giảm mạnh so với những năm trước đây, để thích ứng với điều kiện thiếu đồng cỏ phục vụ cho chăn thả.

Bên cạnh đó, để việc chuyển đổi vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính hiệu quả, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, tỉnh Cà Mau tiếp tục khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản xuất với người chăn nuôi, từ khâu sản xuất đến đầu ra sản phẩm, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, gia tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, Sở Nông nghiệp cũng khuyến khích người chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại tập trung, ông Trần Văn Thức cho biết thêm.

Bài cuối: Tập trung phát triển ngành hàng chủ lực

Hồng Nhung - Thanh Trà - Thế Anh (TTXVN)
10 năm nông thôn mới: Hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp
10 năm nông thôn mới: Hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp

Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai, một trong những tiêu chí quan trọng góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN