Cà Mau phát huy lợi thế phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã

Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu do Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau lần thứ V đề ra đều đạt và vượt so với Nghị quyết. Nhiệm kỳ qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thành lập mới 287 tổ hợp tác và 174 hợp tác xã.

Ngày 18/11, phát biểu tại Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ mong muốn trong nhiệm kỳ 2020-2025, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên để trở thành "ngọn cờ đầu" về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. 

Chú thích ảnh
HTX nuôi tôm siêu thâm canh xã Hoà Tân, TP Cà Mau. Ảnh minh họa: baocamau.com.vn

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đề nghị tỉnh Cà Mau chủ động khai thác và phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của địa phương; huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư theo kịp sự thay đổi của công nghệ, thị trường, kinh doanh có lãi, tăng khả năng cạnh tranh.

Tỉnh cũng có giải pháp hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo ra nhiều việc làm, phát triển kinh tế thành viên, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025, ông Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thu hút phần lớn số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã của địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia và chú trọng thành lập, nhân rộng mô hình hợp tác xã trong các lĩnh vực mà tỉnh đang có lợi thế và còn nhiều ‘‘dư địa’’ để phát triển như: Hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi cung ứng – giá trị nông sản, hợp tác xã công nghệ cao, hợp tác xã thủy sản, hợp tác xã lâm nghiệp, hợp tác xã du lịch, hợp tác xã dịch vụ và tạo việc làm.

Theo đó, mục tiêu cần phấn đấu là thu nhập của thành viên hợp tác xã tăng ít nhất 8%/năm, tăng dịch vụ dùng chung và liên kết giữa thành viên với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với nhau; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%; tăng tỷ trọng đóng góp của hợp tác xã và thành viên vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Dương Huỳnh Khải, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu do Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh lần thứ V đề ra đều đạt và vượt so với Nghị quyết. Nhiệm kỳ qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thành lập mới 287 tổ hợp tác và 174 hợp tác xã.

Đến nay,  toàn tỉnh có 1.178 tổ hợp tác xã và 237 hợp tác xã, thu hút hơn 20.000 thành viên tham gia tổ hợp tác và hơn 4.560 thành viên tham gia hợp tác xã với tổng số vốn góp trên 437.800 tỷ đồng. Đến nay, doanh thu bình quân đạt 1 tỷ đồng/hợp tác xã, tăng 33%; doanh thu của hợp tác xã đối với thành viên đạt 650 triệu đồng/năm, tăng hơn 51% và lãi bình quân của mỗi hợp tác xã đạt 300 triệu đồng/năm, tăng 172% so với thời điểm năm 2016.

Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đã góp phần vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của tỉnh. Đây là cơ sở, tiền đề để kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Dương Huỳnh Khải cũng lưu ý, Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 nghiêm túc tiếp thu, quán triệt và thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Các cấp ủy Đảng và chính quyền tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của ngành và địa phương mình; đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào chương trình công tác của các ngành, các cấp. Liên minh Hợp tác xã chú trọng củng cố và tăng cường phát triển đa dạng các tổ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đảm bảo hoạt động hiệu quả và định hướng phát triển thành hợp tác xã; khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác xã ở các lĩnh vực mới, các ngành nghề truyền thống ở nông thôn.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh chú trọng quảng bá, nhân rộng những mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đăng ký chất lượng sản phẩm và quan tâm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn.

Giai đoạn 2020 - 2025, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau đề ra chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm thành lập mới 80 tổ hợp tác, từ 18 - 20 hợp tác xã. Đến năm 2025, đơn vị phấn đấu thành lập từ 1 - 2 liên hiệp hợp tác xã, số hợp tác xã tăng 1,5 lần và số thành viên tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2020. Cùng đó, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động khá, tốt đạt 40% trở lên, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động yếu đạt dưới 10%; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 60%, phi nông nghiệp đạt 70%.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh phấn đấu trong nhiệm kỳ mới có từ 30% đến 40% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; hàng năm xây dựng 2 - 3 mô hình hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ mới; 100% hợp tác xã thành lập mới trong nhiệm kỳ đều tham gia thành viên Liên minh Hợp tác xã; tăng vốn Điều lệ và huy động vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên 20 tỷ đồng.

Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 38 người, ông Nguyễn Chí Thuần được bầu giữ chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kim Há (TTXVN)
Giải 'cơn khát' vốn cho hợp tác xã
Giải 'cơn khát' vốn cho hợp tác xã

Nhiều chính sách hỗ trợ về vốn thời gian qua đã góp phần thúc đẩy mô hình hợp tác xã kiểu mới áp dụng theo Luật Hợp tác xã năm 2012 phát huy hiệu quả cả về số lượng và chất lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN