Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, điểm mấu chốt hạt nhân phục vụ cho tái đàn là cùng với đàn lợn giống gốc vẫn giữ được và nhập khẩu bổ sung 120.000 con lợn cụ kị, ông bà. Đàn lợn nái có 2,8 triệu con. Với lượng đàn như vậy sẽ cung cấp 11 triệu con lợn vào quý 4/2020 và đủ nguồn lợn giống cho nhân dân tái đàn, kịp thời đảm bảo được đàn lợn so với trước khi bị dịch tả lợn châu Phi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hầu hết các đàn lợn giống đều nằm trong khu vực chăn nuôi lớn, đơn vị này cần tập trung các nhóm giải pháp kỹ thuật để hệ số sinh sản đạt cao nhất, lợn giống không chỉ đủ về số lượng mà còn đảm bảo về chất lượng. Các doanh nghiệp, trang trại lớn cần tìm cách đưa lợn giống tới các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vì nếu chỉ bán lợn hậu bị thì giá sẽ cao, người dân khó mua để tái đàn. Ngoài ra, các đơn vị tín dụng cũng cần hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi sau khi bị thiệt hại nặng bởi dịch bệnh, giúp người dân vừa có khả năng tái đàn vừa đảm bảo sinh kế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi là yếu tố quyết định trong tái đàn và phải thực hiện song song với tổ chức nhân giống. Hiện các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn thực hiện điều này khá tốt trong khi các nhóm quy mô nhỏ lẻ, nông hộ lại chưa được chú trọng, do đó, hệ thống thú y, khuyến nông... cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn bà con.
“Cùng với việc tăng đàn, an toàn sinh học là biện pháp số một để vừa đủ sản lượng vừa đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi. Từ đó đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nhận định về sản lượng thịt cung cấp ra thị trường vào cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm nay hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 14,5 triệu tấn thực phẩm; trong đó, có 5,8 triệu tấn thịt các loại, còn lại là thủy sản. Riêng mặt hàng thịt lợn, quý 4 năm nay sẽ đạt số lượng bằng trước khi xảy ra dịch, khi đó sẽ trở về trạng thái cung cầu gặp nhau. Tuy nhiên, giá cả sẽ do nhiều yếu tố quyết định như: giá lợn giống, giá thức ăn chăn nuôi và tạo một mặt bằng giá mới. Nhưng thị trường sẽ đạt được mức cân đối, hài hòa để người sản xuất vẫn có lãi và người tiêu dùng vẫn chấp nhận được, Bộ trưởng cho hay.
Sau khi bị dịch tả lợn châu Phi, ông Bùi Minh Họa, chủ trang trại lợn Đảo Bầu xã Mỹ Đức, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã rút ra được kinh nghiệm và trang trại của ông đang thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn theo 8 bước vệ sinh thú y và quy trình này cũng được áp dụng cho các bạn hàng mua lợn giống của ông.
Đến nay, trang trại lợn của ông Họa đã khôi phục gần như hoàn toàn đàn lợn so với trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. So với thời điểm năm 2018 đàn lợn hiện nay của ông đã tăng gấp 3 lần. Theo kế hoạch đến tháng 9/2020, trại của ông sẽ khai thác ổn định 750 nái, 4.500 con lợn sữa và lợn hậu bị; đến tháng 11, trại sẽ có 6.000 con lợn sữa và lợn hậu bị.
Ông Họa cũng cho biết, hiện tại mỗi tháng ông bán ra khoảng 200 lợn giống ông bà với mức giá 3 triệu đồng/con. Mức giá này, theo chủ trang trại là không cao vì đây là lợn giống ông bà theo tiêu chuẩn Mỹ và thị trường đang bán có giá cao gấp vài lần.
Từ nay đến cuối năm, dự kiến trang trại của ông Họa sẽ xuất bán được 500-600 lợn giống mỗi tháng, đủ cung cấp cho nhu cầu lợn giống trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, Hải Phòng đã tiêu hủy gần 32.000 con lợn nái do bệnh dịch tả lợn châu Phi, chiếm trên 60% tổng đàn nái vì vậy việc cung cấp con giống để khôi phục sản xuất chăn nuôi sau dịch gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình và gia trại quy mô nhỏ còn chiếm tỷ lệ lớn với trên 70%; các cơ sở chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh phòng dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, tiềm ẩn nhiều rủi ro tái phát dịch.
Đến tháng 6/2020, gần 2.200 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã tái đàn lợn với quy mô tái đàn trên 117.000 con. Tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố tháng 6 đạt trên 114.300 con, tương đương 88,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh tái đàn lợn nhưng phải đảm bảo an toàn.