Khách hàng thanh toán qua QR Code tại siêu thị. Ảnh minh họa: Hải Yên/Báo Tin tức
Gia tăng các hình thức lừa đảo giao dịch ngân hàng
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa gửi khuyến cáo đến khách hàng cần cẩn trọng với một số hình thức mạo danh ngân hàng, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo đại diện VIB, cùng với xu hướng phát triển của giao dịch thanh toán qua tài khoản/thẻ, tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn đến người dùng.
Các đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng tiếp cận khách hàng với nhiều kịch bản khác nhau. Trong số đó có hình thức hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học, rồi dẫn dụ khách hàng kết bạn qua các ứng dụng nhắn tin trực tuyến và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh chứng từ giấy tờ tùy thân, hình ảnh khuôn mặt; hoặc yêu cầu cuộc gọi video cho mục đích thu thập giọng nói, cử chỉ của khách hàng để chiếm quyền sử dụng tài khoản hoặc sử dụng với mục đích bất hợp pháp.
Một trường hợp mạo danh ngân hàng khác là đối tượng lừa đảo thực hiện cuộc gọi chăm sóc khách hàng để đưa ra các chương trình ưu đãi như hoàn phí thường niên, tăng hạn mức thẻ tín dụng, tiếp nhận yêu cầu hủy thẻ…
Sau khi khách hàng tin tưởng, đối tượng hướng dẫn thủ tục để xử lý yêu cầu là khách hàng gửi hình chụp thông tin thẻ trên ứng dụng ngân hàng; hoặc vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng; hoặc nhập thông tin cá nhân và thông tin bảo mật thẻ (số thẻ, số CVV, mã OTP) trên link do đối tượng cung cấp. Từ đó, đối tượng chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng cách sử dụng thông tin thẻ để mua hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh việc mạo danh ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo website và ứng dụng dịch vụ công (app VNeID, Bộ Công an, Cục Thuế, …) có chứa mã độc để kiểm soát và chiếm quyền sử dụng thiết bị của khách hàng, từ đó phát sinh giao dịch không phải do khách hàng thực hiện. Hoặc mạo danh nhân viên giao hàng/sàn thương mại điện tử thông báo khách hàng có đơn hàng cần xác nhận, yêu cầu thanh toán qua đường link giả mạo.
Không chỉ riêng VIB, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa phát cảnh báo tình trạng lừa đảo mạo danh nhân viên/tổng đài Vietcombank liên hệ mời phát hành thẻ tín dụng.
Theo Vietcombank, kẻ gian tự nhận là nhân viên ngân hàng gọi điện, gửi tin nhắn (SMS, Zalo, messenger…) thuyết phục khách hàng chủ động mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng, từ đó lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng. Một số số điện thoại lừa đảo đã được phản ánh: 02366888766, 02488860469, 02888865154, 1900355561…
Hoặc kẻ gian yêu cầu khách hàng đăng ký phát hành thẻ ghi nợ, cung cấp thông tin thẻ ghi nợ mới phát hành, và dùng các thông tin thẻ đó để thực hiện liên kết thẻ với Ví điện tử của chúng; hoặc sử dụng thẻ thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử (mua các mặt hàng có giá trị cao như iPhone, MacBook …), từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ của khách hàng….
Ngoài ra, kẻ gian còn sử dụng hình thức lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của chúng với mục đích “nâng điểm tín dụng để có đủ điều kiện phát hành thẻ”, từ đó chiếm đoạt tiền. Trong quá trình lừa đảo, kẻ gian có thể yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán phí hồ sơ, phí phát hành thẻ….
Trước các hình thức lừa đảo gia tăng, các ngân hàng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin bảo mật (thông tin thẻ, mật khẩu ứng dụng ngân hàng, mã OTP) cho bất kỳ ai. Đồng thời, không truy cập vào các đường link lạ hoặc quét mã QR không rõ nguồn gốc được gửi qua thư điện tử (email), tin nhắn (SMS) hoặc mạng xã hội…
Các ngân hàng cam kết tuyệt đối không liên kết với bất kỳ đơn vị bên ngoài để cấp phát khoản vay; không cung cấp các dịch vụ mời chào nâng hạn mức thẻ tín dụng, miễn phí thường niên và các dịch vụ trái phép thông qua cuộc gọi từ các số điện thoại không được nhận diện…
Sinh trắc học không phải là lớp phòng vệ cuối cùng
Trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Ngân hàng Nhà nước cho biết, phòng, chống ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thanh toán điện tử gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán ngày càng tinh vi, với các thủ đoạn phức tạp và thay đổi nhanh, liên tục. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp phối hợp ngăn chặn.
Đáng chú ý, sau 10 tháng triển khai, việc xác thực sinh trắc học từ nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (thông qua căn cước công dân gắn chíp, VNeID) đã được người dân, các tổ chức và doanh nghiệp ủng hộ, góp phần giảm số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng.
Tính đến ngày 11/4/2025, ngành ngân hàng đã có hơn 108 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip hoặc VNeID, đạt hơn 92% tổng lượng tài khoản thanh toán cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số.
Hơn 530.000 hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học, đạt 41% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số.
Đồng thời, có khoảng 20,9 triệu khách hàng mở và sử dụng Ví điện tử đã được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip thông qua ứng dụng Ví điện tử, đạt 73,15% tổng số ví điện tử đang hoạt động.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, hiện mức độ bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng là rất cao. Mặc dù các cơ quan chức năng, các ngân hàng liên tiếp cảnh báo, truyền thông về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, nhưng vẫn phát sinh những trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng.
“Qua thống kê và phản ánh từ các ngân hàng thương mại, việc khách hàng cung cấp hoặc để lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản… để tội phạm lợi dụng và lừa đảo là nguyên nhân chính. Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, luôn tìm cách đánh cắp thông tin khách hàng, người dân cần nâng cao cảnh giác trong giao dịch”, ông Lệnh khuyến cáo.
Ông Phillip Wright, Giám đốc cấp cao Khối nghiệp vụ ngân hàng, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, sinh trắc học là một trong những công cụ xác thực tiên tiến nhất hiện nay để ngăn chặn các nỗ lực gian lận liên quan đến AI. Hiện các ngân hàng Việt Nam đang triển khai phương pháp bảo mật nhiều lớp. Đầu tư vào AI và các thuật toán máy học tiên tiến là rất quan trọng để phát hiện theo thời gian thực các bất thường do công nghệ deepfake (một loại kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật).
“Nhiều năm nay, các ngân hàng liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng cải tiến và các dịch vụ xác thực mới. Họ cũng áp dụng chiến lược bảo mật toàn diện, bao gồm thiết lập quan hệ đối tác với các công ty an ninh mạng nhằm cung cấp các chương trình đào tạo toàn diện cho nhân viên ngân hàng; cũng như thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cho khách hàng về các rủi ro liên quan đến dữ liệu sinh trắc học”, ông Phillip Wright cho biết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phát triển, mức độ phức tạp của deepfake ngày càng cao. Điều này có nghĩa là việc phân biệt nội dung thật giả sẽ càng khó khăn hơn. Dữ liệu sinh trắc học theo đó có thể dễ bị giả mạo hơn.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân hãy luôn cảnh giác với dữ liệu cá nhân khi đưa lên môi trường trực tuyến. Thường xuyên cập nhật mật khẩu và sử dụng xác thực nhiều lớp có thể tạo thêm tầng bảo mật; đồng thời luôn tìm hiểu và cập nhật thông tin về các xu hướng gian lận mới để ngăn chặn lừa đảo…