Biểu dương các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà thầu đã phối hợp nhịp nhàng, vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, vào cuộc với quyết tâm và nỗ lực cao, qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ tiếp tục duy trì cao hơn mức trung bình chung cả nước, Bộ trưởng nhấn mạnh, theo kế hoạch được phân bổ, hai năm cuối của giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư công còn lại cần phải giải ngân khoảng 150.000 tỷ đồng.
“Hiện tại, kế hoạch vốn năm 2024 Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 59.000 tỷ đồng. Nếu năm nay chỉ giải ngân số vốn này, áp lực giải ngân năm sau là khá lớn. Nếu năm 2024 chúng ta tích cực thi công để giải ngân, công tác giải ngân năm sau sẽ bớt nặng nề”, Bộ trưởng nói và nhắc lại, các nhà thầu không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”. Việc thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó.
Thúc tiến độ giải ngân, người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
“Trước mắt, các chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp hoàn chỉnh thủ tục trình phê duyệt hai dự án trong tháng 5 tới đây, gồm: dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam. Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt 6 dự án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022, gồm: Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); Năng cấp Quốc lộ 24B đoạn Km23 - Km29 qua Quảng Ngãi; mở rộng đường bộ cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; cầu đường sắt Cẩm Lý”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Cùng đó, bảo đảm tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án cao tốc trục ngang (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu) để tăng sản lượng giải ngân.
Hiện nay, đường găng lớn nhất của các Dự án nói chung vẫn tập trung trong công tác Giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng thông thường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và di dời hạ tầng kỹ thuật; đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của các địa phương, Bộ trưởng cũng đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để giải quyết; đây là những dự án quan trọng quốc gia mà trực tiếp địa phương được thụ hưởng, Dự án càng về đích sớm khi nào thì tập trung giải quyết tại một số vị trí đường găng: đất yếu, cầu, hầm…