Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” được phát sóng hôm qua (12/8) trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ hơn về các giải pháp giải cứu doanh nghiệp (DN), một vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm.
Hiện nay, sức mua của thị trường trong nước và nước ngoài suy giảm, tiếp cận vốn vay khó khăn trong khi các nguồn đầu vào tăng giá cao... Tất cả các nút thắt này nếu được tháo gỡ cũng sẽ là sự tiếp sức thiết thực cho cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Từ thực tế trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Đề án “Tháo gỡ khó khăn cho DN” đang được Bộ Công Thương khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành và cộng đồng DN.
Trước những chia sẻ về khó khăn của DN, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nói rõ hơn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn về hàng tồn kho và lãi vay. Theo Bộ trưởng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tìm ra những giải pháp khác để tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về vốn và hàng tồn kho. Trong đó, để giải quyết về vốn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp rất cụ thể, tích cực và bước đầu các giải pháp đã đi vào cuộc sống, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đối với vấn đề hàng tồn kho thì cần có giải pháp cấp bách như kích cầu để tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn, thông qua đẩy nhanh tốc độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản, Chính phủ đã quyết định đối với những công trình có thể hoàn thiện trong năm 2012 nếu thiếu vốn có thể được ứng vốn trước của năm 2013.
“Để đẩy mạnh việc thị trường tiêu thụ sản phẩm, cần khẩn trương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nươc, giới thiệu quảng bá hàng hóa Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm. Có giải pháp khuyến khích đưa hàng hóa về các khu công nghiệp, các vùng nông thôn, những địa bàn vẫn rất thiếu hàng hóa Việt Nam chất lượng cao nhưng các DN vẫn chưa có cách làm phù hợp. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để DN hiểu rõ các lợi ích nếu biết tận dụng các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký với các nước trong thời gian qua để có thể nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Các chương trình kích cầu này có thể hiệu quả sớm sau vài tháng và sẽ có tác dụng tích cực để đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Tuy nhiên, với thực tế là 7 tháng đầu năm đã có tới hơn 30.000 DN bị phá sản hoặc phải giải thể thì theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vấn đề quan trọng lúc này là phải nhanh chóng khắc phục sự chậm trễ để nhanh chóng đưa các chính sách tháo gỡ cho DN vào cuộc sống. Vì thế, trong Đề án tới đây, bên cạnh các giải pháp mang tính căn cơ lâu dài thì sẽ có giải pháp khẩn cấp để phù hợp với tình hình DN hiện nay. Và trên thực tế đã có một số giải pháp được triển khai ngay như giãn giảm thuế, kích cầu, hạ lãi suất. Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất về việc tiêu thụ xi măng, sắt thép tồn kho để xây dựng các công trình giao thông. Ngân hàng cho vay vốn bằng hàng hóa tồn kho và hợp đồng xuất khẩu. Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại ở thị trường trong và ngoài nước, đưa hàng Việt về nông thôn…
Có một thực trạng, trong khi các DN phải giảm giá bán hàng hóa để tiêu thụ hàng tồn kho thì giá nhiều mặt hàng thiết yếu của đời sống người dân và đầu vào của sản xuất kinh doanh như điện lại tăng. Nhiều DN băn khoăn, việc tăng giá điện dường như đang mâu thuẫn với chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Làm rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Chúng ta thực hiện nguyên tắc giá điện theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Bước vào tháng 7, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã được thực hiện thành công. Ngành điện khi tính toán việc điều chỉnh giá điện đã báo cáo với liên bộ Tài chính – Công Thương về việc tiếp tục thực hiện chính sách xã hội là không tăng giá điện đối với các hộ sử dụng điện 50 kWh điện đầu tiên. Giá điện ở 100 kWh đầu tiên vẫn đang bán dưới giá thành. Các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp thường sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng nên không bị tác động. Thứ hai, mức độ điều chỉnh 5% là đã tính toán tác động ít nhất tới sản xuất kinh doanh, trong đó giá điện tác động tới sản xuất thép chỉ là 0,15%, tác động tới sản xuất xi măng cũng không lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý ngành điện trước khi tăng giá phải tuyên truyền để người dân cùng DN hiểu rõ và đồng thuận hơn với chủ trương tăng giá điện.
Thu Hường (ghi)