Theo đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong giai đoạn từ tháng 7 - 9/2019 đã được điều chỉnh lên 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức ước tính sơ bộ của Bộ Thương mại là 1,9%. Lý do cho sự thay đổi này là vì các doanh nghiệp đã không cắt giảm chi tiêu đầu tư nhiều như ước tính ban đầu.
Trong quý III/2019, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã tăng 2,9%. Đà tăng này dự kiến sẽ còn kéo dài với thu nhập của các hộ gia đình vẫn đi lên, còn tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.
Tuy nhiên, đầu tư kinh doanh trong quý trước đã giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2018 và là quý giảm thứ hai liên tiếp. Đầu tư vào nhà ở đã hồi phục với mức tăng 5,1% sau 6 quý suy giảm liên tiếp. Giới phân tích cho rằng sự khởi sắc này là nhờ lãi suất vay thế chấp đang thấp.
Về triển vọng trong quý IV/2019, nhiều nhà phân tích ước tính rằng, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đang suy yếu trong quý này và có thể giảm xuống còn 1,4%. Thậm chí, một số dự báo bi quan hơn còn đưa ra con số tăng trưởng ở mức dưới 1%, phần lớn là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang khiến các doanh nghiệp giảm chi tiêu cho đầu tư sản xuất và lượng hàng dự trữ.
Ước tính cho cả năm 2019, các nhà kinh tế cho rằng GDP của Mỹ sẽ tăng 2,3%. Con số này giảm tương đối mạnh so với mức tăng 2,9% ghi nhận hồi năm 2018 nhờ chương trình cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump đã thực hiện, bên cạnh việc Washington chi hàng tỷ USD cho quân đội cùng những chương trình trong nước.
Sang năm 2020, nhiều nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ vào khoảng 2%, tương đương mức tăng trung bình hàng năm kể từ khi cuộc Đại suy thoái kết thúc năm 2009. Song nó vẫn thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế 3% mà Tổng thống Trump cam kết đạt được với các chương trình cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định cùng những chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của ông.