Bộ Tài chính có ý kiến về việc áp dụng mã HS với gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm

Ngày 4/8, Bộ Tài chính đã có văn bản số 517/TB-BTC thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc áp dụng mã HS đối với nhóm các mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm.

Theo đó, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan về việc áp dụng mã HS đối với nhóm các mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm, đã bào, đã chà nhám (kích cỡ 44 x 1.100 x 4.500 mm) được ghép ngang từ các thanh đã ghép nổi đầu, phải gia công thêm để làm ván lót sàn, mặt bản, cầu thang,... tùy theo mục đích sử dụng, để đảm bảo khách quan, công bằng giữa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp. 

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng cục trưởng Tông cục Hải quan, chủ trì phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế khẩn trương thành lập đoàn công tác gồm có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ mộc Cát Tường.

Đoàn công tác sẽ tập trung đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy cách sản phẩm trên nguyên tắc cụ thể, công khai, minh bạch, công bằng để quyết định việc áp mã HS phù hợp cho sản phẩm, báo cáo Bộ trưởng kết quả trước ngày 15/08/2020. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào chiều ngày 5/8.

Trước đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa có đơn khẩn cấp gửi Bộ Tài chính cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về tình trạng gỗ ván ghép thanh bị ùn tắc tại các cảng biển do Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 4250/TB-TCHQ (ký ngày 24/6/2020). 

Với văn bản này, ván ghép thanh, chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã  HS 4407 “Gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm” thuộc phân nhóm HS 440729.97.90 và bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế, thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng và phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước. 

Trong khi trước đó, gỗ ghép thanh đã được áp mã HS 4418 (đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xốp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp - shingles and shakes), nằm trong phân nhóm HS 4418.90.99 với thuế xuất là 0%.

Do vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét và thông báo để hải quan ở các địa phương cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván ghép thanh với thuế suất bằng 0%. Đồng thời, xem xét và hủy bỏ ngay Thông báo số 4250, để mặt hàng gỗ ván ghép thanh trở lại mã HS 4418 như đã được khẳng định tại văn bản số 9365/BTC-CST của Bộ Tài chính.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước có 146 doanh nghiệp sản xuất ván ghép thanh, với công suất khoảng 570.000 m3 phẩm/năm; nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh là các loại gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là gỗ keo, cao su, bạch đàn.

Trên thị trường, ván ghép thanh có giá xuất khẩu cao gấp 3-4 lần giá gỗ xẻ (gỗ xẻ giá từ 3,4-3,6 triệu đồng/m3; ván ghép thanh giá từ 10-14 triệu đồng/m3). Trong khi đó, để làm ra 1m3 ván ghép thanh cần sử dụng 1,7-1,8 m3 gỗ xẻ. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu ván ghép thanh năm 2019 đạt 332,7 triệu USD, chiếm 2,9 % tổng giá trị xuất khẩu lâm sản, tăng 16,7 % so với năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặt hàng này xuất khẩu đạt 181,5 triệu USD, chiếm 3,4% giá trị xuất khẩu, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Thùy Dương (TTXVN)
Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chủ động thị trường để đạt mục tiêu 12 tỷ USD
Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chủ động thị trường để đạt mục tiêu 12 tỷ USD

Do dịch bệnh COVID-19 xảy ra bất ngờ đã tác động mạnh lên các phân khúc của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Để duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, các chuyên gia ngành gỗ khuyến cáo toàn ngành cần có chiến lược chủ động hơn để đưa ngành gỗ vượt qua những trở ngại hiện nay, đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra cho cả năm 2020 là 12 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN