Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 11 tỷ USD

Việt Nam phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD; từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. 

Chú thích ảnh
Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Gỗ và lâm sản ngoài gỗ là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn 2010 - 2018. Năm 2017, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt tổng giá trị kim ngạch trên 8 tỷ USD; riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,66 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt trên 9,38 tỷ USD tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,909 tỷ USD, giá trị xuất siêu lâm sản năm 2018 đạt trên 7 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.

Với khoảng 4.500 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn công nhân và trên một triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu thúc đẩy phát triển trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng nông thôn miền núi và góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đang đối mặt với không ít thách thức và khó khăn như: Nguồn nguyên liệu có chất lượng, đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hạn chế; mối liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; hạ tầng lâm sinh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; chính sách thuế, tập trung đất đai để phát triển nguồn nguyên liệu còn nhiều bất cập, doanh nghiệp nhỏ còn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia về sản phẩm gỗ chưa được quan tâm đúng mức; tác động của các xung đột thương mại quốc tế và những thay đổi, điều chỉnh chính sách thường xuyên của các nước xuất khẩu nguyên liệu và nhập khẩu đồ gỗ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; các hiệp định thương mại tự do và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại khó khăn, vượt qua những thách thức, nguy cơ tiềm ẩn nhằm tạo bứt phá phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Quan điểm và mục tiêu là phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.

Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

 

TTXVN/Báo Tin tức
Giải 'bài toán' khó nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ
Giải 'bài toán' khó nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ

Mặc dù gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn đang phải “đau đầu” tìm nhà cung cấp gỗ có nguồn gốc hợp pháp và cạnh tranh quyết liệt đối với các thương nhân nước ngoài về nguồn nguyên liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN