Ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung đổi mới của Nghị định 60/2021/NĐ-CP so với những nghị định trước đây, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, sửa đổi về cơ chế chi trả tiền lương; tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính.
Bên cạnh đó, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và nguyên tắc ngân sách nhà nước hỗ trợ đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung quy định cụ thể về tự chủ trong hoạt động liên doanh liên kết; bổ sung quy định về tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định 60/2021/NĐ-CP cũng đã quy định theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ cho các đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, Nghị định đã bổ sung quy định thành 3 nhóm đơn vị, gồm: đơn vị tự bảo đảm trên 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm dưới 30% chi thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc quy định các nhóm đơn vị để đảm bảo công bằng trong việc quy định mức chi, trích lập và sử dụng các quỹ, phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị; nhóm đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sẽ được khuyến khích hơn để nâng dần mức độ tự chủ lên tự bảo đảm chi thường xuyên. Quy định các nhóm đơn vị cũng là để tạo điều kiện cho đơn vị chủ động quản lý và sử dụng nguồn tài chính khi học phí và viện phí đã chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật Giá.
Đồng thời, để phù hợp với mức độ tự chủ của từng loại hình đơn vị và vừa bảo đảm không ảnh hưởng đến quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước, nghị định đã quy định đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc thực hiện chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến thời điểm 31/12/2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong các bộ, ngành, địa phương là 48.055 đơn vị, giảm 7.306 đơn vị, tương ứng giảm 13,2% so với năm 2015; trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương giảm 8,5%, thuộc địa phương giảm 13,3%.
Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế viên chức) năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 11,67% so với năm 2015, vượt mục tiêu giảm 10% theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, về thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, trong tổng số 48.055 đơn vị sự nghiệp, có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên, tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương, chưa đạt mục tiêu theo là đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính; 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 18,7%), nhưng mức độ tự bảo đảm một phần còn thấp; 35.687 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 74,7%).