Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch; trong đó, có 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) với tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.
Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ Công Thương, EVN và 84 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời dở dang, các nhà đầu tư kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh; đồng thời, cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu được đóng điện và ghi nhận sản lượng.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào đầu tháng 1/2023. Cụ thể, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185 - 1.508 đồng/kWh và điện gió là 1.587 - 1.816 đồng/kWh, tùy loại hình. Tuy nhiên, EVN cho biết, họ chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương về phương pháp đàm phán và hiện chỉ có một nhà đầu tư gửi số liệu liên quan đến các thông số đầu vào để tính toán phương án giá điện của dự án đó.
Trong văn bản vừa gửi EVN, Bộ Công Thương cho rằng, ngày 2/3/2023, Bộ đã có văn bản hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.
Về phía các nhà đầu tư, giải thích về nguyên nhân chưa gửi hồ sơ đàm phán, đa số nhà đầu tư cho rằng, do họ thấy các chỉ đạo chưa rõ ràng...