Bộ Công Thương rà soát tác động môi trường các nhà máy nhiệt điện

Qua rà soát, mặc dù chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc như nhiều thủ tục hành chính có nội dung, đối tượng, bản chất trùng lặp.

Cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động với tổng công suất lắp đặt NĐT là 24.370 MW.

Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN.


Theo kiểm tra của Bộ Công Thương, tính đến tháng 11, các nhà máy đã thực hiện đầy đủ việc lập và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐTM). Một số nhà máy đã đi vào vận hành nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường mà báo chí phản ánh như: Vũng Áng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Formosa Hà Tĩnh cũng đã gấp rút hoàn thành và đã đáp ứng các quy định.


Hiện tại, nước thải công nghiệp, sinh hoạt của các nhà máy được xử lý đạt Quy chuẩn về môi trường và hầu hết được tuần hoàn tái sử dụng cho các mục đích khác nhau trong nhà máy. Nước làm mát sau quá trình trao đổi nhiệt để làm mát bình ngưng, được giải nhiệt và xả ra nguồn tiếp nhận như sông hoặc biển và đảm bảo nhiệt độ thấp hơn 40oC để không ảnh hưởng tới môi sinh.


Cùng với đó, các nhà máy đều lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống xử lý khí NOx và xử lý khí SO2 (có hai nhà máy với công nghệ cũ nên không lắp hệ thống xử lý SO2 là Nhiệt điện Phả Lại I và Ninh Bình). Do vậy, khí thải của các nhà máy được xử lý đáp ứng QCVN 22:2009/BTNMT - về khí thải công nghiệp nhiệt điện.


Ngoài ra, dù việc kiểm soát bụi, khí thải rất được quan tâm nhưng với công nghệ hiện nay, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp phải đốt kèm dầu FO, HFO và lúc này hệ thống lọc bụi tĩnh điện chưa đưa vào hoạt động do nguy cơ cháy nổ nên có hiện tượng khói đen tại miệng ống khói. Bộ Công Thương đang chỉ đạo các nhà máy nhanh chóng có giải pháp khắc phục hiện tượng này.


Đáng lưu ý là mặc dù chất thải nguy hại được kiểm soát chặt chẽ theo quy định nhưng một số nhà máy vẫn mắc một số lỗi về thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, xây kho lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, quản lý chứng từ chất thải nguy hại chưa chặt chẽ…


Vì vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp nhanh chóng xử lý và đã khắc phục gần như triệt để. Qua rà soát, mặc dù chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc như nhiều thủ tục hành chính có nội dung, đối tượng, bản chất trùng lắp.


Ngoài ra, các đơn vị này thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của các Bộ, ngành trong tổ chức thực hiện pháp luật về môi trường; thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành.


Riêng đối với lĩnh vực nhiệt điện, một số vấn đề cần giải quyết để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện một cách bền vững, gắn với bảo vệ môi trường như: công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo TĐTM, thiết kế cơ sở của các dự án; sự phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án; hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó tập trung ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ sử dụng làm các loại vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và ban hành quy định về điều kiện của doanh nghiệp tiếp nhận xử lý chất thải rắn thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm giải quyết một cách triệt để vấn đề tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.


Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường cũng như việc phát triển nhiệt điện đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp làm rõ trách nhiệm, việc phân công, phân cấp và công tác phối hợp giữa các Bộ/ngành, giữa trung ương và địa phương trong công tác quản lý môi trường của ngành, lĩnh vực.


Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiến hành rà soát các dự án có nguy cơ ô nhiễm để kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, Bộ sẽ thẩm định chặt chẽ các hạng mục bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn thiết kế cơ sở; Đánh giá các nguy cơ, rủi ro về môi trường đối với các dự án đầu tư, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các dự án đầu tư trong giai đoạn xây dựng.


Ngoài ra, kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường. Lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định.

Uyên Hương (TTXVN)
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mở cửa để dân vào giám sát môi trường
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mở cửa để dân vào giám sát môi trường

Bắt đầu từ ngày 10/11, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tổ chức để người dân địa phương vào giám sát các hoạt động xử lý môi trường của nhà máy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN