Hãng tin Bloomberg mới đây có bài viết đánh giá, nằm dọc theo một trong các tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, với dân số trẻ và đang phát triển, Việt Nam - một lần nữa – đang chuyển mình để cất cánh.Theo Bloomberg, tiền đổ vào nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á này từ các nhà sản xuất như Samsung Electronics Co. và Intel Corp đang mang lại cơ hội thứ 2 để Việt Nam trở thành con hổ tiếp theo của châu Á.
Hệ thống giao thông hiện đại ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Công cuộc "Đổi mới" mở cửa thị trường trong những năm 1980 đã mở ra giai đoạn dài tăng trưởng trên 7% cho Việt Nam, dù có suy yếu đi trong những năm gần đây.
Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) LLP có trụ sở tại London (Anh) cho rằng Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn đến năm 2050.
Không chỉ là quốc gia Đông Nam Á có lợi thế như là một khu vực sản xuất giá rẻ hơn nhằm thay thế cho nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam cũng là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư trong khu vực trong bối cảnh mối quan hệ Trung-Nhật rơi vào bế tắc.
"Rất có thể Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Quốc gia này có đầy đủ các yếu tố cho sự phát triển nhanh chóng", Vikram Nehru, chuyên gia cao cấp tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế ở Washington (Mỹ) nói.
Sức mạnh kinh tế ngày càng tăngNhững tín hiệu về sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam đó là: Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua các đối tác trong khu vực để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, bao gồm cả những đối thủ có truyền thống lâu đời như Thái Lan và Malaysia.
Đầu tư nước ngoài được giải ngân tại Việt Nam đã tăng mạnh trong 14 năm qua, đạt 12,35 tỷ USD năm 2014, tăng 7,4% so với năm 2013 trong khi năm 2000 con số này là 2,4 tỷ USD. Hoạt động của Samsung tại Việt Nam phát triển mạnh đến nỗi mà chính phủ Hàn Quốc đã cho phép công ty này vận hành riêng một cảng tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Nhà ga hành khách T2 – Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN |
Trong khi đó, các nhà sản xuất quốc tế đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhà sản xuất máy in Kyocera Document Solutions của Nhật Bản, một chi nhánh của tập đoàn Kyocera, có kế hoạch tăng công suất sản xuất máy in hàng năm tại Việt Nam lên gấp 4 lần, đạt 2 triệu đơn vị sản phẩm vào tháng 3/2018. Một phần hoạt động của Kyocera tại Trung Quốc sẽ được chuyển đến Hải Phòng vào tháng 8 tới để trở thành cơ sở sản xuất máy in lớn nhất của công ty này.
Frederic Neumann, đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á ở Hồng Kông tại HSBC Holdings Plc nhận định: “Việt Nam thực sự là bên hưởng lợi lớn khi Trung Quốc mất đi khả năng cạnh tranh của họ vì lương công nhân tại quốc gia đông dân nhất thế giới này ngày càng tăng và đồng nhân dân tệ (NDT) mạnh lên. Với việc trở thành thị trường thay thế sớm nhất của Trung quốc, Việt Nam đang có lợi thế là người đi tiên phong và bắt đầu phát huy thế mạnh đó”.
Ngoài ra, chỉ số chứng khoán của Việt Nam đã tăng 5,5% trong năm nay, so với 4,1% của Indonesia, 2,4% của Malaysia và 2,2% của Thái Lan. Theo báo cáo "Thế giới năm 2050" của PwC, tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam có thể trung bình là 5,3% trong giai đoạn 2014 - 2050, chỉ sau Nigeria. Tăng trưởng của Trung Quốc giai đoạn này có thể giảm xuống dưới 4%.
Vấn đề nhân khẩu học cũng là một lợi thế của Việt Nam. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 13% dân số của Trung Quốc năm 2012 đã trên 60 tuổi, so với 9% tại Việt Nam. Hơn 40% trong khoảng 90 triệu dân của Việt Nam là lực lượng lao động trong độ tuổi 15-49.
Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế, mức lương trung bình hàng tháng ở Việt Nam là 197 USD năm 2013, so với 391 USD ở Thái Lan và 613 USD ở Trung Quốc, trong khi sự chênh lệch đó ngày càng mở rộng. Economist Intelligence Unit dự đoán rằng năm 2019, chi phí lao động sản xuất mỗi giờ tại Trung Quốc sẽ cao hơn 177% so với ở Việt Nam, tăng so với mức 147% năm 2012.
Ngôi sao lớn khu vực sông Mekong"Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan để trở thành ngôi sao lớn của khu vực sông Mekong", Tim Condon, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu châu Á của ING Groep NV đã nhận xét khi đề cập đến những nền kinh tế trong khu vực sông Mekong bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Để so sánh, xuất khẩu của Thái Lan, vốn tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, đã suy giảm nhiều trong 2 năm gần đây. Ngược lại, trong năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng gần 14%.
Dây chuyền sản xuất sợi tại nhà máy ở Khu Công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group Ltd mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,5% trong năm 2015 và những năm tới, nhờ doanh số bán lẻ tăng mạnh, quá trình thúc đẩy sản xuất công nghiệp và xây dựng.